Phát triển kinh tế từ nhóm sở thích nuôi dê tại buôn Blái

Cập nhật 18/4/2016, 11:04:36

         Từ nguồn vốn thuộc Dự án hỗ trợ Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn huyện Krông Pa, Nhóm Sở thích chăn nuôi dê Buôn Blái, xã Ia Rmok đã mạnh dạn đầu tư, học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, giúp các thành viên có được việc làm và thu nhập ổn định.

Vào nhóm  được hỗ trợ vốn và kỹ thuật chăn nuôi nên hiện tại đàn dê phát triển tốt

Được thành lập từ tháng 8 năm 2015, với 8 thành viên đều là người dân tộc thiểu số, trong đó có 4 thành viên thuộc diện hộ nghèo, 1 thành viên thuộc hộ cận nghèo. Những ngày đầu thành lập, các thành viên trong nhóm cùng sở thích nuôi dê buôn Blái còn nhiều lúng túng và khó khăn. Trước tình hình đó, Ban hỗ trợ Kinh doanh Nông nghiệp huyện Krông Pa đã phối hợp với Ban phát triển xã Ia Rmok mở  lớp tập huấn về quản lý điều hành nhóm, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh để nhóm lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, tư vấn địa chỉ mua con giống, cách chăm sóc và nhận biết một số dịch bệnh, cách phòng trừ một số bệnh đối với dê, cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm…

Anh Ksor Luên, Trưởng nhóm sở thích chăn nuôi dê Buôn Blái, xã Ia Rmok, Krông Pa, Gia Lai cho biết:  “Trước kia chúng tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ mọi người không biết học hỏi lẫn nhau, bên cạnh đó có 1 số người không có điều kiện để mua giống, vào nhóm chúng tôi được hỗ trợ vốn và kỹ thuật chăn nuôi nên hiện tại đàn dê của chúng tôi phát triển tốt..”

Định kỳ hàng tháng, nhóm Sở thích chăn nuôi dê Buôn Blái  sinh hoạt 1 lần để chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cho từng lứa dê. Từ 16 con dê giống, đến nay đàn dê của nhóm đã phát triển được 39 con. Với giá dê như hiện nay, sau 8 tháng nuôi đã giúp mỗi hộ thu nhập hơn 10 triệu đồng.

Anh R’ô Hun, thành viên nhóm sở thích chăn nuôi dê Buôn Blái, xã Ia Rmok, Krông Pa, Gia Lai nói:  “Mình rất thích nuôi dê vào nhóm thì mình được hỗ trợ tiền để mua dê, được tập huấn cách chăm sóc cũng như biêt chọn và lại tạo những giống dê cho hiệu quả kinh tế cao, mình rất vui và an tâm làm theo tư vấn..”

Tuy chỉ mới đi vào hoạt động, nhưng hiệu quả kinh tế từ mô hình chăn nuôi dê tại buôn Blái, xã Ia Rmok, huyện Krông pa đã mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ chăn nuôi. Đây là mô hình hay cần được nhân rộng qua đó tạo điều kiện để người dân đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số có việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững./.

Tiến Huy – Xuân Huy


Lượt xem: 60

Trả lời