Phát triển kinh tế trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đức Cơ

Cập nhật 31/7/2020, 14:07:36

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; những năm gần đây, nhiều vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có sự đổi thay về hạ tầng cơ sở, diện mạo các thôn/làng; đặc biệt đời sống của bà con DTTS cũng ngày càng phát triển nhờ biết cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. PS được thực hiện tại huyện biên giới Đức Cơ.

Không còn làm nương, làm rẫy với các loại cây trồng ngắn ngày cho thu nhập thấp như lúa rẫy hay mỳ như trước đây; nhiều hộ đồng bào DTTS trên vùng biên giới Đức Cơ hôm nay như gia đình anh Siu Hiếu ở xã Ia Kriêng đã thành công và vươn lên làm giàu với cây cà phê, cây cao su và cây điều. Tận dụng nguồn đất đai màu mỡ và mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thu nhập hàng năm của gia đình anh từ hơn 08 ha các loại cây công nghiệp dài ngày cũng được vài trăm triệu đồng. Kinh tế phát triển, đời sống cũng dần đi lên.

Anh Siu Hiếu –  Làng Hrang, xã Ia Kriêng, Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Nhắc nhở trong hộ gia đình mình phải vượt được khó, phải tiến bộ làm giàu chính đáng. Phải cố gắng làm kinh tế và tôi thấy thế này là cũng đã ổn định rồi”.

Đức Cơ là địa phương có tỷ lệ người DTTS chiếm hơn 46% số dân toàn huyện; theo đó để tạo điều kiện hỗ trợ bà con DTTS phát triển kinh tế, các chương trình khuyến nông, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã được huyện quan tâm triển khai thực hiện theo tinh thần đúng quy định, kịp thời và đảm bảo đúng đối tượng; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa trong vùng đồng bào DTTS. Từ đó đã giúp nhiều hộ DTTS có mức thu nhập trung bình và cao, góp phần giảm dần tỷ lệ hộ nghèo của huyện nói chung và tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS nói riêng qua từng năm.

Anh Kpuih Blin – Làng Lung, xã Ia Kriêng, Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Hỗ trợ cho vay vốn để mua cây giống trồng cà phê, mua trụ tiêu, hỗ trợ vay múc hồ để tưới cà, ủng hộ cây giống cao su. Chủ yếu là cao su, cũng tạm tạm. Nếu mà có mủ thì một tháng cũng được gần 10 triệu”.

Ông Tăng Ngọc Trai – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện thì cũng thực hiện nhiều chương trình đồng bộ như Chương trình 135 rồi lồng ghép các chương trình của nguồn NTM,rồi định canh định cư; tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó thì cũng tuyên truyền, vận động để người dân tự tăng gia sản xuất, vươn lên thoát nghèo trong cuộc sống”.

Theo thống kê, đến cuối năm 2019, số hộ nghèo là người DTTS trên địa bàn huyện Đức Cơ còn 1.324 hộ (giảm 1.342 hộ so với năm 2016); số hộ có thu nhập trung bình và cao chiếm 40,1% tổng số hộ người DTTS. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, nâng cao đã góp phần củng cố thêm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; phát triển huyện biên giới Đức Cơ ngày càng bền vững./.

Mỹ Tiến, R’Piên


Lượt xem: 230

Trả lời