Phát triển kinh tế bền vững từ mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi

Cập nhật 29/1/2018, 08:01:47

Không có được đất sản xuất bằng phẳng, màu mỡ nên gia đình ông Phạm Văn Quân (ở tổ dân phố 10, thị trấn Kbang, huyện Kbang) đã lựa chọn phát triển kinh tế theo hướng trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Dù mới bước đầu triển khai nhưng mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông được đánh giá có tính khả thi cao và bền vững.

 Trên diện tích 9 ha  được gia đình ông Quân trồng nhiều loại cây: 3 ha trồng mía, hơn 300 cây ăn quả gồm bơ, vải và nhãn; hơn 4 sào lúa nước; còn lại là trồng cỏ chăn nuôi bò. Ông Quân cho biết: Trước đây với diện tích này, ngoài cây mía ra thì chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày nhưng thu nhập hàng năm không được mấy vì phần lớn là đất đồi lâu năm đã bạc màu. Và sau đó, ông chuyển một phần diện tích sang cây ăn quả, ban đầu chủ yếu là nhãn và vải. Thấy hiệu quả nên ông quyết định chuyển dần sang cây ăn quả và đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm cây bơ. Do đất đồi dốc nên ông cũng chuyển một phần diện tích làm bãi chăn thả và trồng cỏ chăn nuôi bò. Đầu năm 2016, ông đầu tư xây dựng trang trại và mua 10 con bò giống về nuôi sinh sản và cũng để lấy phân bón cho cây trồng; đến nay đàn bò đã sinh sản được thêm 10 con. Sau hơn 2 năm đầu tư hiện nay mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Quân đang dần phát huy hiệu quả.

Ông Phạm Văn Quân, Tổ dân phố 10, thị trấn Kbang, huyện Kbang cho biết: “Trước đây tôi làm bắp, làm đậu mà thấy kinh tế không đạt hiệu quả nên tôi chuyển sang cây ăn trái và chăn nuôi. Trước mắt mới làm nên mô hình chưa bài bản lắm và cũng vừa làm để học hỏi thêm; và tôi sẽ quy hoạch là chỗ nào trồng cây ăn quả thì trồng, còn chỗ nào trồng cỏ, rồi những loại cây khác để quy hoạch thành 1 trang trại cho nó bài bản”.

Hiện nay, thu nhập từ 300 cây nhãn, vải cộng với 3 ha mía, bình quân mỗi năm gia đình ông Quân đã thu được gần 200 triệu đồng. Và với hướng đầu tư phát triển như hiện nay thì trong vài năm nữa khi toàn bộ diện tích cây ăn quả cho thu hoạch và đàn bò sinh sản ra nhiều thì hiệu quả kinh tế mang lại chắc chắn sẽ rất cao. Qua tham quan mô hình, nhiều bà con nông dân cũng đánh giá cao về tính khả thi và bền vững từ mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Quân.

Ông Lưu Văn Đan – Tổ dân phố 10, thị trấn Kbang, huyện Kbang nói: “Tôi thấy đây là mô hình phát triển bền vững và nói chung đây là mô hình mà chúng tôi thấy rất đáng học tập; từ cái đất không được tốt lắm nhưng anh Quân đã biết trồng cây ăn quả, rồi chăn nuôi bò và làm các thứ là tôi thấy là chuyển đổi được cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Và dần sau này sẽ có thu nhập cao”.

Ông Lê Cao Sáng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kbang, huyện Kbang cũng nhận xét: “Với diện tích canh tác như thế này thì hàng năm anh cũng có thu nhập cao và đảm bảo được cuộc sống gia đình. Và đối với hội viên Hội Nông dân thì anh cũng là 1 hội viên tích cực; với mô hình này thì trên địa bàn thị trấn cũng đang được các hộ nông dân khác học hỏi và trên cơ sở đó thì đáp ứng được vấn đề phát triển kinh tế cho từng hội viên hội nông dân trên địa bàn”.

Trong những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp với áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã được bà con nông dân trên địa bàn tỉnh chú trọng đẩy mạnh. Nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế, giúp cho người nông dân ở Gia Lai có thu nhập cao từ sản xuất nông nghiệp./.

Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 107

Trả lời