Phát triển hạ tầng thương mại điện tử theo hướng hiện đại, đa dạng

Cập nhật 04/11/2021, 16:11:58

Để phát triển Thương mại điện tử (TMĐT), một trong những yếu tố quan trọng cần có đó là nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bởi đây là khâu cực kỳ quan trọng giúp TMĐT phát triển.  Để làm được điều đó, Gia Lai tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch lĩnh vực thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển hệ thống phân phối kinh doanh trên địa bàn với mục tiêu đến năm 2025 đạt mức trung bình khá so với mục tiêu chung của cả nước về ứng dụng thương mại điện tử.

Thực tế cho thấy, đến nay hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ phát triển nhanh về số lượng, quy mô mà còn đa dạng về loại hình theo hướng văn minh, hiện đại. Sự gia tăng nhanh về số lượng, quy mô hoạt động của các cửa hàng tiện ích, hệ thống cửa hàng tự chọn, siêu thị, … đã góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều siêu thị đã áp dụng chương trình mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà nhưng vẫn bảo đảm chất lượng hàng hóa và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch.

Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng tổ Marketting và Dịch vụ khách hàng, Siêu thị Co.op Mart Pleiku cho biết: “Hiện tại khách hàng đã quen với việc đặt hàng tại chỗ nên chúng tôi cũng triển khai 5 hình thức online đó là mua hàng trên app ứng dụng của Sài Gòn Co.op, hoặc là đơn hàng Zalo Pay, ngoài ra thì Co.op Mart có nguồn đơn hàng qua kênh zalo riêng của đơn vị và thông tin Hotline 2 số điện thoại của đơn vị. Khách hàng cũng có thể vào các trang Webside online của chúng tôi để mua sắm, hiện tại chúng tôi đã triển khai tất cả các ứng dụng mua sắm online để cho khách hàng mua hàng trên các kênh của đơn vị”.

Xác định TMĐT là kênh bán hàng quan trọng trong xu thế hiện nay nên hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng hoàn thiện về cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng kênh bán hàng trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử của riêng từng đơn vị.

Ông Trần Đình Lê – Giám đốc Siêu thị Vinmart Pleiku cũng cho biết:  “Hiện tại trên App VinID của siêu thị cũng đang xây dựng và tích hợp kênh bán hàng online đó là Vinmart thì khách hàng có thể vào đó để chọn hàng, chọn sản phẩm và chỉ cần nhập thao tác là nhập địa chỉ giao hàng thì bên siêu thị sẽ giao tới đối với hình thức này bên siêu thị dự kiến sẽ phát triển trong 1 đến 2 năm tới. Đó là một số chương trình chuyển đổi mà siêu thị sẽ triển khai trong thời gian tới. Để áp dụng được chương trình này thì đặc biệt về cơ sở vật chất và con người thì siêu thị đang có kế hoạch đào tạo và xây dựng một số trang thiết bị để đầu tư trong thời gian tới”.

Thương mại điện tử đang là hướng đi mở ra nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ. Trong bối cảnh đó, mỗi doanh nghiệp đều nỗ lực không ngừng để phát triển hoạt động thương mại điện tử một cách chuyên nghiệp và toàn diện. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay tại nhiều doanh nghiệp đó là các hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT như: Nguồn nhân lực, hóa đơn và chứng từ điện tử, thanh toán… hiện đang phát triển ở các mức độ khác nhau, thiếu sự đồng bộ và tính kết nối. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển nhanh hệ thống TMĐT, các hạ tầng phụ trợ cho TMĐT cần được đẩy mạnh phát triển đồng bộ, song song.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm – Giám đốc Công ty Cà phê Classic  cũng nói: “Khó khăn trong làm thương mại điện tử thì khó khăn lớn nhất là nhân lực, bởi Gia Lai vẫn là tỉnh có trình độ, kiến thức về thương mại điện tử cũng như các kỹ năng mềm khác như vi tính, ngoại ngữ thực sự tìm rất khó. Đối với công ty chúng tôi đã tiến hành là thay vì mình chờ đợi tìm kiếm con người thì mình chủ động đào tạo con người để tiếp cận luôn với chuyện đó, thì bây giờ công ty hiện nay may mắn là việc đầu tư dó đã bắt đầu mang lại những tín hiệu tốt đẹp. Tức là mình chủ động con người có sẵn của mình cho tiếp cận, huấn luyện, song song với đó đào tạo luôn ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung để có thể chủ động trong công việc”.

Nhằm phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, ngành Công Thương Gia Lai đã và đang đẩy mạnh phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; đồng thời phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code,… Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các hạ tầng dịch vụ hỗ trợ TMĐT; đa dạng hóa hình thức, phương tiện giao thông hỗ trợ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử, rút ngắn thời gian giao hàng…

Lê Thư, Phi Long , Mạnh Hà


Lượt xem: 36

Trả lời