Phát triển cà phê đặc sản: Nâng tầm giá trị sản phẩm cà phê Gia Lai

Cập nhật 20/8/2021, 08:08:27

Cà phê Robusta của Gia Lai được mệnh danh là “Chiến binh rô bốt” với chất lượng được các chuyên gia đánh giá cao, có hương vị đặc trưng riêng, được nhiều người tiêu dùng biết đến và  ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để Gia Lai xây dựng Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh, trong đó lấy cà phê Robusta dòng sản phẩm để triển khai. Đề án này vừa được UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện, mở ra một hướng đi mới, với kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao giá trị và  nâng tầm sản phẩm cà phê của tỉnh.

Với tổng diện tích gần 97 nghìn 400 ha, Gia Lai là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ 4 trong cả nước. Năm 2020, tổng sản lượng cà phê của tỉnh đạt trên 254 nghìn tấn, giá trị sản xuất đạt gần 6 nghìn 837 tỷ đồng. Đây cũng là ngành hàng xuất khẩu chính của tỉnh. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng cà phê đạt 298 triệu USD, chiếm hơn 1 nửa trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh. Tuy có những lợi thế để phát triển, nhưng tình hình sản xuất, phát triển cà phê trên địa bàn tỉnh thời gian qua được đánh giá là chưa bền vững, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế để đem lại chất lượng cà phê tốt nhất, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Tấn Công, Giám đốc HTX NN & DV Nam Yang, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết: “Trong một thời gian dài vừa qua, chúng ta chỉ chủ yếu tập trung về sản lượng thôi mà không tập trung về chất lượng. Thời gian gần đây, trước nhu cầu về thị trường về cà phê chất lượng cao, HTX không nằm ngoài xu hướng đó, HTX cũng tập trung vào làm cà phê chất lượng cao để nâng giá trị, tạo nên những vùng cây bền vững cũng như tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân”.

Những năm gần đây, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững, trong đó có cà phê đặc sản để tạo ra những sản phẩm cà phê chất lượng cao đủ sức thâm nhập vào các thị trường có tiềm năng và xuất khẩu. Cùng với đó, với những chính sách mở cửa thị trường, nhiều hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước, các khu vực được ký kết như FTA, CPTPP, EVFTA, dự báo sẽ mở ra những cơ hội để cà phê Gia Lai mở rộng được thị trường mới.

Tuy vậy, để nắm bắt được những cơ hội mới đó, tỉnh đã xác định, trước hết cần phải có giải pháp nâng cao chất lượng và chuẩn hóa quy trình sản xuất. Đồng thời, xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng cho sản phẩm cà phê Robusta của tỉnh. Trong đó, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển cà phê đặc sản được xem là bước đi quan trọng để thực hiện mục tiêu này.

Ông Trần Xuân Khải, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết: “Bên cạnh việc kết nối giữa doanh nghiệp và các địa phương, thông qua các tổ hợp tác, HTX để đầu tư phát triển bền vững vùng nguyên liệu cà phê đặc sản, Chi Cục cũng xúc tiên tham mưu bình tuyển giống cà phê mang tính đặc trưng riêng của Gia Lai để phục vụ cho nhu cầu phát triển cà phê của người dân trên địa bàn. Đồng thời, Chi Cục nhờ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng như các đơn vị cùng bàn bạc để sớm ban hành quy trình sản xuất cà phê đặc sản để người dân áp dụng sản xuất”.

Hiện tại, diện tích cà phê đặc sản của Gia Lai mới chỉ chiếm trên 200 ha. Theo Đề án phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh, đến năm 2025, Gia Lai phấn đấu có trên 1 nghìn ha diện tích cà phê Robusta đặc sản, với sản lượng khoảng 620 tấn, đến năm 2030 diện tích này đạt khoảng 2 nghìn 300 tấn, sản lượng khoảng 1 nghìn 700 tấn. Đề án được triển khai trên địa bàn 6 xã thuộc 3 huyện là Đak Đoa, Ia Grai và Chư Prông. Cà phê đặc sản là sản phẩm cà phê có quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt, có hương vị riêng và đạt từ 80 điểm trở lên theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện chất lượng cà phê thế giới (CQI).

Những yêu cầu đặt ra là hết sức khắt khe nhưng với những nỗ lực cải thiện quy trình sản xuất, chế biến cà phê được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai trong thời gian qua thì mục tiêu này không phải là quá khó để thực hiện.

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vĩnh Hiệp trao đổi: “Cà phê Gia Lai rất khác với những vùng khác, người nông dân thay đổi rất nhanh và tổ hợp tác luôn luôn vận hành với yêu cầu của đầu ra, chấp nhận thay đổi để sẵn sàng cùng với doanh nghiệp để chia sẻ, đẩy sản phẩm cà phê của địa phương lên cao hơn, nâng tầm quốc gia Việt Nam về cà phê. Đó là một trong chiến lược của Vĩnh Hiệp, đã sẵn sàng và chuẩn bị rất lâu và hôm nay đã thành công. Đây là nhờ nỗ lực từ chính quyền địa phương, các sở, ban ngành đã hỗ trợ, luôn đồng hành cùng chúng tôi, giúp người nông dân phát triển bền vững sạch và xanh”.

Ngoài những giá trị về vị thế, thương hiệu thì việc phát triển cà phê đặc sản, nhất là sản phẩm cà phê nhân sẽ đưa lại doanh thu cao hơn cho người sản xuất đến 400% so với cà phê thương mại. Do vậy, việc từng bước xây dựng và mở rộng diện tích cà phê đặc sản sẽ góp phần phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Gia Lai trên thị trường thế giới.

Ngọc Hà, Phi Long


Lượt xem: 116

Trả lời