Phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật 02/6/2016, 09:06:36

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được triển khai thực hiện trong hơn 5 năm qua với nông dân là chủ thể được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình này. Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, bên cạnh tham gia họp bàn, đóng góp công của để làm các công trình dân sinh thì trong quá trình triển khai thi công, người dân ở các địa phương trong tỉnh Gia Lai còn trực tiếp tham gia làm và giám sát. Nhờ vậy đã góp phần làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa của mỗi công trình. 

 

 Hơn 2 năm qua, người dân ở thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông đã tham gia làm được gần 4 km đường giao thông nông thôn

Việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm đã và đang nhận được sự đồng tình ủng hộ tích cực từ nhân dân. Với hình thức Nhà nước hỗ trợ 40%, nhân dân đóng góp 60%,  hơn 2 năm qua, người dân ở thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông đã tham gia làm được gần 4 km đường giao thông nông thôn. Nhờ vậy, đường giao thông thông thoáng, chắc chắn không chỉ đến gần hết các khu dân cư mà cả khu vực sản xuất của người dân. Để có được kết quả như vậy, bên cạnh bàn bạc, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân thì địa phương còn phát huy sức dân trong quá trình đóng góp công của, thi công và giám sát, đồng thời công khai, minh bạch các khoản thu-chi.

Ông Lã Văn Ngọc – Thôn phó thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông cho biết: “Quá trình giám sát, Ban thôn, xã cùng về giám sát công trình. Ví dụ như dày 16 phân nhưng có con đường người dân bỏ thêm làm dày 18 phân, 20 phân, đá, cát, xi măng thiếu thì nhân dân bỏ thêm tiền để làm. Có nhà 10 công, 15 công, có nhà 3 triệu, 4 triệu, 15 triệu cũng có tùy theo diện tích vườn của mình. Cán bộ thôn chúng tôi đây thì mỗi một xóm, mỗi người đóng góp từ 2 đến 3 công cùng bà con trong xóm xây dựng đường nông thôn mới”.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai ngày càng đổi khác với những gam màu tươi mới. Trong đó, nhiều con đường đất, lầy lội, đi lại khó khăn vào mùa mưa, bụi bặm vào mùa nắng trước đây nay đã  được đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa, thuận lợi trong giao thương, sinh hoạt, qua đó tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Khi ý Đảng hợp lòng dân càng tăng thêm giá trị và ý nghĩa của công trình.

Ông  Nguyễn Văn Nhiêu -Thôn 2, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ nói về phân công giám sát làm đường giao thông của thôn: “Chúng tôi phối hợp với mặt trận, các đoàn thể, chi bộ phân bổ các đoàn thể mỗi anh giám sát một ngày, nay nông dân, mai phụ nữ, mốt cựu chiến binh. Thôn 2 chúng tôi đã làm được 4.800 m, nhân dân rất phấn khởi, đường đi nét đứng khang trang, đời sống càng ngày càng phát triển, nhất là vận chuyển nông sản phẩm, nhà cửa khang trang, sạch đẹp”.

Khi sức dân được khơi dậy và phát huy không chỉ thể hiện sự nhiệt thành ủng hộ của người dân đối với những vấn đề quan trọng của địa phương, gắn bó thiết thân với cuộc sống, sinh hoạt của người dân mà qua mỗi công trình dân sinh được đầu tư xây dựng tại địa bàn cơ sở còn góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm tăng thêm ý nghĩa và giá trị của mỗi công trình. Đây là yếu tố quan trọng góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và cải thiện, nâng cao đời sống của người dân/.

Thiên Thanh- R’Piên -Đặng Trà


Lượt xem: 162

Trả lời