Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật 01/8/2019, 08:08:52

 “Lấy dân làm gốc”là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính vì thế, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một trong những bài học kinh nghiệm then chốt giúp các địa phương triển khai thuận lợi chính là phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Con đường liên thôn Đồng Bằng thuộc xã Biển Hồ, thành phố Pleiku với chiều dài gần 1,5 km vừa được đầu tư mở rộng, nâng cấp khang trang chính là kết quả từ sự hỗ trợ của đơn vị quân đội và sự đồng lòng, chung sức của người dân địa phương. Không ai khác, chính người dân được hưởng lợi từ công trình này khi những con đường giao thông thông thoáng không chỉ đến các khu dân cư mà cả ở khu vực sản xuất. Từ khi có chủ trương làm đường, bên cạnh việc tổ chức nhiều cuộc họp bàn, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân thì địa phương còn phát huy sức dân trong quá trình góp công, góp của, thi công và giám sát. Với nguồn kinh phí 2,5 tỷ đồng, trong đó Sư Đoàn 320 hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, xã hỗ trợ 300 triệu đồng, các hộ có đất ở khu vực này đã thống nhất đóng góp 700 triệu đồng để cùng chung tay góp sức làm mới con đường này.

Bà Vũ Thị Hồng Trinh  – Thôn trưởng thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: “Ở thôn mỗi khi có chủ trương trên triển khai xuống thôn chúng tôi bao giờ cũng xin ý kiến cấp ủy chi bộ tổ chức họp dân, lấy ý kiến của nhân dân. Mọi công việc đều bàn bạc trước dân nếu công việc nào nhận được sự đồng thuận của nhân dân chúng tôi mới triển khai. Như con đường này không riêng gì người của thôn Đồng Bằng mà ở cả thành phố nữa gần 100 hộ nhân dân đồng thuận tới 99% nên con đường triển khai theo đúng kế hoạch”.

Anh Đặng Khánh Toàn – Chủ tịch UBND xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, Gia Lai trao đổi “Việc triển khai các công trình xây dựng nông thôn mới chúng tôi thực hiện với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tất cả các công trình kể cả xây dựng cơ bản hay mua sắm trang thiết bị cho các thôn làng chúng tôi đều thực hiện phương châm này, tổ chức họp lấy ý kiến về tỷ lệ đóng góp của người dân, tỷ lệ hỗ trợ của nhà nước để  triển khai theo đúng quy định, trong đó người dân được biết về số tiền đóng góp, chủng loại công trình, tất cả những cái có liên quan đến quyền lợi của nhân dân, và thành lập các tổ giám sát để giám sát các chương  trình đã được thực hiện”.

Sau 8 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Gia Lai đã có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được các địa phương tập trung thực hiện là triển khai xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Từ thực tế cho thấy, bài học lấy nhân dân làm gốc, xác định chủ thể xây dựng nông thôn mới là người dân đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tích cực tham gia thực hiện.

Ông Siu Nghiệp – Chủ tịch UBND xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết: “Trong quá trình thực hiện chúng tôi được Chính phủ, tỉnh, huyện, hỗ trợ để đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, điện, nước sinh hoạt, cải tạo vườn tạp. Khó khăn là tiêu chí thu nhập. Tuy rằng so với địa bàn khác thì chúng tôi đạt vì do nhận thức của một số bà con, chúng tôi xác định đây là trách nhiệm của chính quyền, của thôn, làng, mỗi cán bộ đảng viên phải tuyên truyền, vận động bà con để bà con thay đổi về nhận thức và việc làm, chi tiêu tiết kiệm”.

Mỗi một năm qua đi, diện mạo nông thôn cùng đời sống người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai có thêm những gam màu tươi mới. Quan điểm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn là mục tiêu hàng đầu, then chốt và mang tính quyết định cho kết quả xây dựng nông thôn mới./.

Kim Châu, Minh Trung

 

 


Lượt xem: 23

Trả lời