Phát huy hiệu quả mô hình tổ hội nghề nghiệp

Cập nhật 05/1/2021, 10:01:22

Xuất phát từ nhu cầu liên kết của các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh đơn lẻ cùng ngành nghề, thời gian qua nhiều tổ hội nghề nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh được thành lập. Từ đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng chuyên canh, tập trung, hình thành những chuỗi giá trị hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhận thấy trồng dâu, nuôi tằm đem lại lợi nhuận kinh tế cao nên hơn 1 năm nay gia đình anh Phạm Văn Thuyên ở thôn Ninh Hòa, xã Ia Boong, huyện Chư Prông đã phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm với 2ha dâu. Đặc biệt, từ sau khi tham gia vào tổ hội trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương anh đã có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các hộ cùng chung sở thích tại địa phương. Điều này giúp anh rất nhiều trong việc lựa chọn giống cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.

Anh Phạm Văn Thuyên – Thôn Ninh Hòa, xã Ia Boong, huyện Chư Prông cho biết: “Khi tham gia những tổ chăn nuôi được chính quyền địa phương ủng hộ về kỹ thuật và tham gia hội sẽ chia sẻ được kinh nghiệm. Tương lai sẽ có đông người làm lên thì giữa đầu ra và đầu vào sẽ đảm bảo, như đầu vào khi mình lấy số lượng giống nhiều thì chất lượng sẽ tốt hơn và giá thành sẽ giảm. Đầu ra cũng sẽ đảm bảo và giá sẽ nâng lên vì số lượng nhiều”.

Thực hiện Đề án 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng mô hình tổ hội nghề nghiệp, Hội nông dân xã Ia Boong đã vận động cán bộ hội viên, các hộ dân có chung sở thích tham gia thành lập các tổ, hội nhóm nghề nghiệp để tăng giá trị sản xuất. Việc tham gia các tổ hội nghề nghiệp không chỉ giúp các hội viên nông dân hỗ trợ nhau trong sản xuất, mà còn tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tuy nhiên, đây là tổ chức tự nguyện, không tài chính, không con dấu và không trụ sở nên việc duy trì sinh hoạt, tiếp cận các nguồn vốn còn nhiều khó khăn. Vì vậy mong muốn của nông dân khi tham gia các tổ hội nghề nghiệp đó là được hỗ trợ hơn nữa về vốn vay, khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất.

Ông Phạm Văn Thắng – Xã Ia Boong, huyện Chư Prông cũng nói: “Tôi thuộc tổ hội chăn nuôi dê. Tôi cũng mong rằng cấp trên hỗ trợ vốn và các loại thuốc trị bệnh cho dê, nhu cầu của bà con. Rất mong là được vào hiệp hội này chúng tôi có tập thể để chia sẻ kinh nghiệm và có gì thì cấp trên can thiệp vào để chúng tôi có động lực để phát triển mạnh hơn”.

Ông Rơ Chăm Dung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Boong cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp hội, và đề án thành lập tổ hội chi hội nghề nghiệp thì xã cũng vận động cán bộ hội viên trong xã tham gia vào các tổ hội, chi hội nghề nghiệp. Qua thời gian thực hiện, Hội nông dân xã thành lập được 2 tổ hội trồng dâu nuôi tằm và tổ hội nuôi dê. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên tham gia vào tổ hội trồng cây ăn trái trên địa bàn nhằm phát triển kinh tế của hội viên”.

Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra nhưng việc thành lập các tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn xã Ia Boong, huyện Chư Prông đã góp phần phát huy hiệu quả trong thu hút hội viên, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Đây cũng là những bước đi đầu tiên vững chắc để nông dân trên địa bàn xã chủ động, tích cực tham gia xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể./.

Lê Thư, Huy Toàn


Lượt xem: 100

Trả lời