Phát hiện hai đạo sắc phong thần của vua Duy Tân tại đình Tân Tạo, xã Thành An

Cập nhật 28/9/2016, 13:09:50

Cùng với phát hiện 3 Đạo sắc phong thần của vua Tự Đức vào năm 1880 và vua Duy Tân vào các năm 1909, 1911 được lưu giữ tại Đình An lũy hay còn gọi là An Khê trường thuộc quần thể khu di tích Tây Sơn thượng đạo. Mới đây, qua điền dã tìm kiếm tư liệu để phục vụ công tác nghiên “Lịch sử và văn hóa vùng đất An Khê”, nhóm thực hiện đề tài đã phát hiện tại đình Tân Tạo, xã Thành An còn lưu giữ hai đạo sắc phong thần từ thời Duy Tân (1911).

28-9-phathien

Đình Tân Tạo trước đây thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định (nay là thôn Tân Tạo, xã Thành An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Đình thờ Thiên Y A Na, Thần Bạch Mã và Bổn cảnh thành hoàng làng có công phò nước giúp dân.

Vào ngày 8-6 (nhuận) năm 1911, vua Duy Tân đã ban sắc phong cho thôn Tân Tạo thờ phụng Thiên Y A Na diễn ngọc phi tôn thần. Đạo sắc này có nội dung: “Ngài đã có công phò giúp dân, tỏ rõ linh ứng. Xét thấy nơi đây chưa từng được ban cấp văn bản sắc phong. Nay ta nối nghiệp sáng, nghĩ lại đến đức tốt của các vị thần, ngài xứng đáng được phong: Hoàng huệ phổ thế, linh cảm, diệu thông, mặc trưởng, trang vi, dực bảo, trung hưng, thượng đẳng thần. Đặc biệt chuẩn y. Phải dốc lòng thờ phụng”.

Sau đó, cũng trong năm 1911, vua Duy Tân tiếp tục ban cho thôn Tân Tạo đạo sắc thứ hai. Đạo sắc này có nội dung: “Ta ban sắc phong cho thôn Tân Tạo thờ phụng vị Bạch mã chi thần và Bổn cảnh thành hoàng chi thần. Các ngài đã có công phò nước giúp dân tỏ rõ linh ứng. Ngài Bạch mã xứng đáng được phong: Đôn ngưng, dực bảo, trung hưng chi thần. Ngài Bổn cảnh thành hoàng xứng đáng được phong: Bảo an, chánh trực, hữu thiện, đôn ngưng, dực bảo, trung hưng chi thần. Đặc biệt chuẩn y. Phải dốc lòng thờ phụng. Các thần cũng phải bảo hộ cho đám con dân của ta”.

Hai đạo sắc phong này có kích thước 1,2 mét x 0,6 mét, làm từ giấy dó, dày, màu vàng đậm, một bề mặt được trang trí hoa văn hình rồng mây màu nhũ bạc, diềm sắc phong rộng 4 cm trang trí văn triện. Đạo sắc phong được nhân dân địa phương lưu giữ rất cẩn thận nên các họa tiết hoa văn rồng, mây còn rất rõ nét. Toàn bộ hai đạo sắc phong này được viết bằng chữ Hán theo lối chân phương.

Ông Nguyễn Thành Long, Phụng tế Đình Tân Tạo, xã Thành An, TX An Khê cho biết: “Hồi chiến tranh là phải ôm 2 sắc thần giữ tại nhà chứ không cất đâu hết, từ ông phụng tế thời đó, còn tôi là phụng tế hiện tại, đã có hai mươi mấy đời phụng tế ôm sắc thần giữ rồi. Trước không có người dịch nên không biết được, nay dịch ra mới biết là tài sản phong phú, quý giá nhất ở đình Tân Tạo”.

Việc đình Tân Tạo còn gìn giữ được hai đạo sắc này góp phần làm rõ thêm truyền thống lịch sử và văn hóa vùng đất An Khê ngày nay.

 Ông Nguyễn Thành Long, Phụng tế Đình Tân Tạo, xã Thành An, TX An Khê nói: Đình Tân Tạo này trước đây di dời nhiều, trước đơn giản chứ không như hôm nay. Năm 2000 nhờ nhân dân ở đây và nhờ chính quyền giúp đỡ đã xây dựng cơ ngơi tuy không khang trang lắm, chúng tôi cũng mong đình Tân Tạo được quan tâm hỗ trợ để trùng tu khang trang hơn như các đình khác.

 Việc phát hiện hai đạo sắc phong minh chứng cho sự ra đời của ngôi đình trong lịch sử. Mặt khác, đây còn là hai tư liệu quý để tìm hiểu văn phong, nghệ thuật thư pháp cũng như nghiên cứu những giá trị nghệ thuật, hoa văn, chất liệu giấy đương thời…/.

Song Nguyễn – Gia Cư – Phan Nguyên


Lượt xem: 235

Trả lời