Ông R’Ô Khen và câu chuyện bám đất, làm giàu

Cập nhật 22/6/2022, 07:06:13

Mấy chục năm giữ đất, tích lũy và làm giàu từ chính mảnh đất của mình, ông R’Ô Khen ở thôn 1, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa đã có cơ ngơi ít ai sánh bằng. Câu chuyện bám đất, làm giàu từ nông nghiệp và nghĩa tình với đồng bào vùng đất khó của người nông dân này là minh chứng khẳng định sự gắn bó không thể thiếu giữa đất với đời sống nông dân.

Khu sản xuất hơn 20 ha đất nông nghiệp của gia đình ông R’Ô Khen nằm ngay đường lớn. Vào mùa thu hoạch điều, mỗi ngày ông phải thuê trên dưới chục nhân công để thu hoạch, kết hợp tỉa cành, chăm sóc cho cây hồi phục. 8 ha đất đã được ông trồng điều cách đây từ 3-6 năm, còn lại trồng mì cao sản. Những nơi điều mới trồng, cây mì cũng được trồng xen canh để tận dụng hiệu quả đất sản xuất. Năm ngoái ông thu 5 tấn điều và gần trăm tấn mì, thu nhập gần 700 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Năm nay, điều mất mùa, năng suất không cao nhưng giá bán tại vườn cũng được 32 ngàn/kg…

         Tuy nhiên, hiện nay, thu nhập từ khu sản xuất lại chưa phải là điều được đánh giá cao. Có người đã vào trả giá hơn chục tỷ hỏi mua khu đất nhà ông Khen. Cơn sốt đất nông nghiệp chẳng loại trừ vùng đất này từng được coi là hẻo lánh bậc nhất tỉnh.

Ông R’Ô Khen, thôn 1, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa cho biết: “Người ở làng mình bán hoặc gán nợ dần dần, nên không còn đất mà làm ăn nữa, tội lắm. Mình thì chưa bán đất bao giờ, từ trước đến giờ khai hoang, rồi bố mẹ để lại mình đều giữ đất để làm. Mấy người xung quanh đòi bán đất để tiêu sài, mình cũng mua lại để dành làm mì, trồng điều, trồng mía”.

Thấy số tiền lớn, vợ con ông Khen có chút nao núng, nhưng ông vẫn động viên gia đình kiên định giữ đất để sản xuất và làm tài sản lâu dài cho các con. Có đất sản xuất nhiều, kết hợp chăm chỉ làm ăn, ông Khen mạnh dạn áp dụng kĩ thuật mới trong ghép cành, trồng điều cao sản, chăm sóc đúng quy trình để cây trồng phát triển tốt. Nhờ đó, cây trồng có năng suất ổn định, chất lượng vườn cây bền vững. Có đất, có thu nhập khá, ông có điều kiện giúp đỡ người nghèo trong thôn. Số hộ dân trong thôn được ông cho mượn bò, nuôi rẽ giờ ông không còn nhớ, nhưng những người được giúp thì vẫn nhớ ơn ông. Nhờ có bò, có đất của ông cho mượn, nhiều hộ dân trong thôn đã thoát nghèo, ổn định đời sống.

Bà Kpah Nứp, thôn 1, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa nói: “Mình không có đất sản xuất, khổ lắm. Được ông Khen cho mượn 2 ha để làm ăn, không lấy tiền đâu. Mình làm trong 8 năm thì đã trả được nợ, rồi tích lũy làm được nhà như bây giờ nữa. Cũng mua thêm được ít sào đất khác rồi. Mình cảm ơn Khen nhiều lắm. Mình nay cũng thoát nghèo rồi”.

Đi giữa những khu dân cư đang ngày càng đổi mới, ông R’Ô Khen vẫn chưa nguôi trăn trở. Ông mong người dân ở đây không còn nghèo đói, ai cũng được học hành để nâng cao nhận thức, không bán đất, không phải vay nợ mà gán đất, thiếu đất sản xuất. Ông cũng mong có thêm những người cùng với ông giúp đỡ người dân bớt khó khăn, cùng tuyên truyền, vận động làm gương cho đồng bào quê ông.

Ông R’Ô Khen, thôn 1, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa nói: “Mình thương người ta thì mình giúp vậy nhưng mà một mình làm không xuể. Mong có thêm nhiều người cùng giúp đỡ dân làng cho bớt khó khăn. Mà người dân, làm nông mà không có đất thì cũng khó lắm”.

Ông Nguyễn Viết Chung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pờ Tó, huyện Ia Pa cũng nói: “Ông Khen là một nông dân điển hình tại xã. Ngoài việc có đất nhiều, ông cũng đi đầu trong sản xuất, biết áp dụng khoa học vào vườn cây nên thu nhập cao. Ông cũng là một nông dân có tình nghĩa, giúp đỡ rất nhiều cho người làng nên được mọi người quý trọng”.

Minh Lý, Ksor Tuối


Lượt xem: 4

Trả lời