Ông Đinh Ngoai và bộ đàn nước “có 1 không 2” ở Kbang

Cập nhật 11/3/2021, 16:03:29

Đã từ lâu, đồng bào Bahnar ở Kbang  luôn nỗ lực trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, bức tranh văn hóa truyền thống ấy như thêm phần đặc sắc khi có sự xuất hiện của bộ đàn nước “có 1 không 2” do ông Đinh Ngoai, ở làng Đak Pơ Kao, xã Tơ Tung chế tác.

Vượt chặng đường gần 2 km từ làng Đak Pơ Kao (xã Tơ Tung), chúng tôi lên đồi Tơ Nung – để tận mắt “mục sở thị” bộ đàn nước duy nhất của huyện Kbang. Sau khoảng 20 phút di chuyển bằng cả xe máy và đi bộ qua con đường mòn lởm chởm đá, chút mệt mỏi liền nhanh chóng tan biến khi chúng tôi nghe thấy những thanh âm trong trẻo vọng về, thúc dục bước chân thêm mạnh mẽ. Và đây – tại một con đồi vẫn còn rơm rạ của lúa rẫy vừa được thu hoạch – là bộ đàn nước mà chúng tôi tìm đến.  Chủ nhân của bộ đàn nước này là ông Đinh Ngoai, sống ở làng Đak Pơ Kao (xã Tơ Tung-huyện KBang). Vừa đến thăm “sản phẩm tinh thần” của mình, người đàn ông 52 tuổi nhanh chân chạy đến xem xét, kiểm tra xem có chỗ nào bị sút dây, đàn lạc tiếng hay không. Theo lời ông Ngoai, đàn nước được thiết kế và hoạt động theo nguyên lý âm thanh âm của một bộ cồng chiêng. Trong đó, có nhiều dàn ống nứa, lồ ô kích thước lớn nhỏ khác nhau được treo thành từng nhóm 2, 3, hoặc 4 ống mà ông gọi nó là 6 “Cồng” và 8 “Chiêng”. Chiếc “Trống” được làm bằng một thân gỗ to mặt, bán kính khoảng 25cm, 2 bên thân được 2 dùi gỗ treo phía trên thay phiên nhau gõ nhịp, và bên trong là 1 rãnh trống được khoét sâu giúp khuếch đại âm thanh. Tiết tấu của bộ đàn nước này được quy định bởi khoảng cách giữa những ống lồ ô treo lơ lửng bên trên, với bộ gõ đặt cố định bên dưới. Mặc dù đàn nước chưa được vót, chuốt thật cầu kỳ nhưng lại có thể tạo nên âm thanh tổng thể với giai điệu rất vui tai và trong trẻo, như dàn cồng chiêng được thay thế bằng ống nứa, lồ ô. Ấy vậy mà đàn nước này lại được ông thực hiện chỉ trong 1 tuần.

Ông Đinh Ngoai chia sẻ: “Tôi đã từng được nghe ông, cha mình làm đàn nước từ khi tôi còn nhỏ. Nghe thích quá nên tôi đã mày mò học làm theo, làm 5, 6 lần mà đều không thành. Mãi sau này, khi nhớ đến các cụ, nhớ tiếng đàn nước, tôi mới quyết tâm làm. Từ đó mỗi ngày lên rẫy làm lúa làm ngô đều thấy phấn khởi hơn, bà con trong vùng nhất là người lớn tuổi nghe thấy tiếng đàn nước cũng vui theo, trong lòng tôi thấy rất mãn nguyện”.

Để giải thích cho cái tên gọi đàn nước, ông Đinh Ngoai đưa chúng tôi đến một con suối cách đó 500 mét. Tại đây, ông đặt một máng nước nhỏ, dài hơn 1 mét đón dòng nước đổ về. Dòng nước trong máng này sẽ chảy vào chiếc máng thứ 2 nhỏ hơn – treo lơ lửng 2 đầu – trên một đoạn dây dài được bện chặt từ vỏ cây khô và dây leo rừng. Sức nặng của nước khiến cho chiếc máng này không ngừng di chuyển đong đưa, truyền lực đẩy giúp bộ đàn gõ nhịp liên tục và kết thúc ở 1 rọ đá được treo lơ lửng làm đối trọng – nhờ vậy mà bộ đàn nước phía trên luôn đứng vững. Đó cũng là lý do mà mỗi lần đến đây ông Ngoai đều xuống suối nạo vét máng nước để khơi thông dòng chảy.

Ông cho biết: Ở đây miễn sao nước suối chảy đều thì đàn nước sẽ đánh liên tục, nước suối chảy nhẹ thì tiếng đàn sẽ yếu hơn. Cứ vậy tiếng đàn sẽ vang lên từ ngày này qua tháng khác không ngừng…

Là người phát hiện và dõi theo quá trình làm đàn nước của ông Ngoai, anh Đinh Mỡi – nhân viên phụ trách Nhà lưu niệm Anh hùng Núp đã rất tích cực trong việc giới thiệu bộ đàn nước của ông Đinh Ngoai tới du khách gần xa.

Anh Đinh Mỡi – Phụ trách Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, Trung tâm VH – TT & TT Kbang cho biết: “Với góc độ bản thân tôi khi nghe tiếng đàn cũng như là thực tế thấy thì rất là ngưỡng mộ. Có thể nói rằng các chú ngày xưa có thể nghĩ ra được tiếng đàn nước làm bằng ống nứa như thế này mà sử dụng được từ sức nước thì rất mong muốn là chú sẽ cố gắng và tiếp tục phát huy, giữ được đàn nước này. Thứ 2 là bản thân cũng rất mong tất cả giới trẻ chúng ta cùng học hỏi để mà lưu giữ được nghề truyền thống về đàn nước để mà tuyên truyền lại văn hóa, bản sắc dân tộc đến tất cả du khách trong và ngoài nước”.

Bộ đàn nước được hoàn thành là ao ước của ông Đinh Ngoai. Đây cũng là bộ đàn nước đầu tiên và duy nhất hiện có trên địa bàn huyện Kbang. Nó đơn sơ và mộc mạc như chính ông, luôn nhớ về cội nguồn dân tộc. Nếu như trước đây đàn nước là công cụ để xua đuổi chim muông phá hoại lúa rẫy thì nay, nó lại là động lực, là món ăn tinh thần cho đồng bào Bahnar canh tác nơi  vùng sâu thêm hăng hái sản xuất; và họ mong cho dòng suối thiêng chảy mãi, để âm thanh núi rừng còn vang vọng đến đời sau…

Hà Duyệt (Kbang)


Lượt xem: 34

Trả lời