Nuôi tằm ăn lá mì – cách làm kinh tế hiệu quả

Cập nhật 22/10/2021, 15:10:46

Làng Drok, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện có hơn 80 hộ đồng bào dân tộc Thái từ tỉnh Thanh Hóa vào lập nghiệp. Nhận thấy diện tích mì tại địa phương rất lớn, là điều kiện thuận lợi để chăn nuôi tằm ăn lá mì, một số hộ đã tìm mua giống về gây dựng lại nghề truyền thống. Hiện nay, nhờ duy trì việc  nuôi tằm ăn lá mì nên cộng đồng người Thái tại thôn Drok có thu nhập ổn định, hỗ trợ kinh tế gia đình trong thời gian dịch bệnh.

Chị Lương Thị Vươn sinh sống tại xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Là người dân tộc Thái theo chân gia đình tới Phú Thiện vào những năm 90. Hơn 1 năm nay, vì ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên nguồn thu nhập của gia đình đã giảm đi không ít, chính vì thế, chị Vươn đã học lại cách trồng mì nuôi tằm từ bố mẹ. Mặc dù, số lượng tằm nuôi vào thời điểm này không nhiều nhưng lại có đầu ra sản phẩm ổn định nên cũng đã giúp ích rất nhiều cho kinh tế gia đình.

Chị  Lương Thị Vươn, Xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện nói: “Từ thời còn ở ngoài bắc thấy các ông các bà nuôi.  Sau này vào đây thấy hàng xóm cũng nuôi nhiều nên là cũng nuôi thử. Cứ để giống xong rồi nuôi thôi. Nuôi cũng đơn giản chỉ vất vả mấy hôm nó chín thôi, có khi đêm dậy phải cho nó ăn 3,4 lần. Về nguồn thu lợi nhuận cũng được hơn là đi làm công ở bên ngoài”.

Do tận dụng lá mì làm thức ăn cho tằm nên tiết kiệm chi phí, lợi nhuận tương đối khá. Việc trồng mì cũng mang lại hiệu quả kép, vừa cho củ, vừa cho lá để nuôi tằm. Khác với loại tằm ăn lá dâu, lấy tơ dệt vải, tằm ăn lá mì chủ yếu dùng làm thức ăn khi tằm chín. Đặc biệt, tằm nhạy cảm với các loại hóa chất nên thức ăn phải sạch, chính vì thế, món ăn làm từ tằm còn được xem là thực phẩm an toàn và dinh dưỡng. Thấy được hiệu quả từ việc trồng mì nuôi tằm, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư A Thai đã thành  lập Câu lạc bộ “ Trồng mì nuôi tằm để phát triển kinh tế”. Hiện nay CLB có 20 thành viên tham gia cùng nhau chia sẻ những cách làm hay, mang lại hiệu quả cao trong việc nuôi tằm.

Chị Bùi Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện cho biết: “Trước đây thì chị em sản xuất lẻ tẻ nhưng bây giờ đã tập hợp được chị em lại để học hỏi kinh nghiệm thứ 2 đó là quy cách chăm sóc được thay đổi . Một số chị em sau khi thành lập CLB đã làm sàn và kệ lên để chăn nuôi hiệu quả hơn. Thứ 3 là chị em đã tìm được đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi . Nói chung mô hình này rất là hiệu quả, đặc biệt là những gia đình có người lớn tuổi, trẻ em tận dụng được nguồn lao động, nguồn lá mì sẵn có tại địa phương”.

Hiện nay với giá thành 60.000 đồng/kg tằm cũng đã góp phần đảm bảo kinh tế cho những người nuôi tằm tại làng Dok, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Thời gian tới, Hội LHPN xã Chư A Thai có kế hoạch nhân rộng mô hình trồng mì nuôi tằm tới tất cả các chi hội  để giúp hội viên có thêm công việc,  thêm thu nhập gia đình./.

Linh Chi, Viễn Khánh


Lượt xem: 25

Trả lời