Nông thôn Gia Lai từ quá khứ đến hiện tại.

Cập nhật 23/4/2022, 07:04:18

Cũng như bao vùng quê khác, từ những ngày đầu sơ khai, nông thôn Gia Lai là vùng quê nghèo nàn, lạc hậu. Cùng với sự phát triển đi lên chung của xã hội, vùng quê từng bước dần dần phát triển. Dấu ấn của chương trình xây dựng nông thôn mới là vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhận được sự đầu tư lớn của nhà nước, diện mạo nông thôn khởi sắc qua từng năm. Vùng quê nghèo Gia Lai năm xưa, nay được khoác lên mình tấm áo mới với những ngôi nhà khang trang, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, những cánh đồng với màu xanh bạt ngàn của các loại cây trồng, vùng quê ấm no yên bình và ngày càng phát triển.

Tỉnh Gia Lai được thành lập năm 1932, từ những buổi đầu, vùng nông thôn còn hoang sơ, người dân sống du canh du cư,  phương thức sản xuất chỉ là phát đốt chọc trỉa, tự cấp tự túc, vùng quê nghèo đói khó khăn lạc hậu. Qua các giai đoạn 1930-1945 và 1945- 1975, cùng với sự phát triển chung của xã hội, nông thôn Gia Lai cũng từng bước dần dần ổn định nhưng đời sống người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sau giải phóng, từ năm 1975-1985, dưới ánh sáng  của Đảng, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đề ra nhiều chủ trương mới, trong đó tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, với những mục tiêu chủ yếu tập trung khôi phục và cải tạo, phát triển sản xuất nông nghiệp sau chiến tranh, tập trung khai hoang, xây dựng cánh đồng, định canh, định cư, làm thuỷ lợi, sản xuất lương thực, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển…. vùng nông thôn Gia Lai từng bước đổi thay. Bước nhảy vọt vượt bậc, đáng ghi nhận đó là từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với sự đầu tư lớn của nhà nước, người dân vùng nông thôn đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tham gia hiến đất, tiền của và ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế địa phương.

Anh Yuen-Làng Brong Goai, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, Gia Lai nói: “Mình và bà con ở đây rất sẵn sàng và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhà nước vận động làm đường giao thông hay hàng rào cũng làm nhiệt tình. Không chỉ có ngày công mà còn đóng góp kinh phí theo chương trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm để xây dựng các tuyến đường giao thông trong làn, để đi lại và ra cánh đồng sản xuất được dễ dàng”….

Bà Phạm Thị Thúy – Bí thư Đảng ủy xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ, Gia Lai cho biết: “Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ người dân. Bà con đã tham gia nhiệt tình trong các phần việc, hiến nhiều diện tích đất để làm đường giao thông, và các hạng mục khác, nhờ đó góp phần thúc đẩy  phát triển kinh tế địa phương một cách toàn diện”…

Nhiều địa phương đã có những cách làm hay phù hợp với thực tiễn trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhờ đó đem lại hiệu quả thiết thực, diện mạo nông thôn thay đổi theo từng năm.

Ông Hồ Văn Thảo – Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cũng cho biết: “Qua 12 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới thì diện mạo nông thôn đã thay đổi rất rõ nét. Người dân được hưởng thụ rất nhiều, huyện đã triển khai nhiều chương trình dự án lồng ghép như giảm nghèo bền vững, giảm nghèo tây nguyên, nhờ lồng ghép các chương trình trong xây dựng nông thôn mới nên trình bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, nhất là vùng dân số, hiện nay đường bê tống gần như cứng hóa toàn bộ, trường học thì đầy đủ trong các thôn buôn cho con em đi học thuận tiện… tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo thì đã giảm nhiều rồi”…

Ông Vũ Mạnh Định – Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ trao đổi: “Xây dựng nông thôn mới đem lại hiệu quả tại địa phương thể hiện ở chỗ là diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, và huyện cũng đã có 18 sản phẩm OCOP. Chúng tôi cũng đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa để đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao”….

Một dấu ấn đặc biệt quan trọng làm khởi sắc vùng nông thôn Gia Lai đó là tháng 2 năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị 12, với nội dung “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Sự ra đời và đi vào thực tiễn của Chỉ thị 12 đã mang lại những cách làm mới, tư duy mới phù hợp với điều kiện, đặc thù của vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đó cũng là khởi nguồn tạo nên những bước chuyển biến, phát triển, giàu đẹp, ấm no cho các vùng nông thôn Gia Lai.

Ông Ksor Nguy – Người dân Buôn Mlah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa bày tỏ: “Buôn mình được nhà nước đầu tư xây dựng đường giao thông, trường học, thủy lợi…..nhà mình làm lúa nước, làm thuốc lá, nuôi bò lai, nhà mình đủ ăn, xây được nhà và có của ăn của để…buôn mình đã là buôn văn hóa rồi, mình và bà con rất vui mừng và cố gắng làm ăn để ai cũng được ấm no đầy đủ”…

Ông Vũ Ngọc An – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai thông tin: “Xây dựng làng nông thôn mới đã đem lại hiệu qủa thiết thực.Trong quá trình thực hiện xây dựng làng nông thôn mới thì coi người dân là chủ thể, cùng với đầu tư nhà nước thì vận động người dân đóng góp ngày công, tiền của để chỉnh trang hạ tầng nông thôn; vận động người dân thực hiện tốt sinh hoạt đảm bảo môi trường….Để tiếp tục triển khai làng nông thôn mới đi vào chiều sâu hơn thì đưa ra nhiều giải pháp;  phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ nhân rộng lên 300 thôn, làng đạt chuẩn, sẽ có kế hoạch cụ thể trong việc tiếp tục vận động tuyên truyền bà con tích cực tham gia và lồng ghép nhiều chương trình để thực hiện đạt hiệu quả”…

 Hiện nay, Gia Lai đã có 91 xã và 123 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao. Vùng quê nghèo nàn lạc hậu năm xưa, nay đã thay da đổi thịt, đầm ấm trù phú và yên bình, người dân tin tưởng vào các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục hăng say lao động sản xuất, xây dựng vùng nông thôn Gia Lai ngày càng tươi đẹp./.

Ngọc Ánh, Minh Trung


Lượt xem: 31

Trả lời