Nông nghiệp Gia Lai cần sự bứt phá mạnh mẽ

Cập nhật 31/10/2019, 08:10:15

Với hơn 800 ngàn hecta đất sản xuất nông nghiệp, có nhiều sông, suối, nền nhiệt độ cao… Gia Lai phù hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng. Mặc dù tiềm năng, lợi thế lớn như vậy nhưng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích còn quá thấp. Đất đai rộng, nhưng lựa chọn loại cây trồng nào, canh tác ra sao cho hiệu quả để tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho nền nông nghiệp, đó là vấn đề đang đặt ra đối với Gia Lai hiện nay.

Nếu như trước đây, cà phê, cao su, hồ tiêu…từng được xem là cây trồng chủ lực của tỉnh thì nay đã không còn phù hợp vì giá cả giảm thấp. Đặc biệt là cây hồ tiêu, giá giảm gần như chạm đáy, thêm vào đó dịch bệnh, thời tiết mưa kéo dài bất thường…hàng ngàn hecta hồ tiêu bị chết, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khó khăn, nhiều hộ nông dân phải đi nơi khác tìm kế mưu sinh.

Còn đối với cây mía… cây trồng chủ lực của các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh thì 3 năm trở lại đây cũng trong tình trạng bấp bênh do giá  cả xuống thấp. Hiện nay, đang chuẩn bị bắt đầu niên vụ mía mới nhưng dự báo sẽ lại một năm thất bát vì giá thấp mà sản lượng lại không đạt do tình trạng nắng hạn đầu vụ.

Bà Nguyễn Thị Cúc – xã Tân An, huyện Đăk Pơ, Gia Lai nói: “Nắng nóng quá nên cây mía không phát triển được. Năm nay lại tiếp tục lỗ. Giá mía đã thấp lại như năm nay nữa bà con chẳng biết thế nào”.

Trước tình hình này nhiều nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả như: Bơ, sầu riêng, chanh dây, thanh long, chuối, mít, nhãn.. rau màu các loại và bước đầu mang lại kết quả khá khả quan. Đây được xem như hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng  theo hình thức đa dạng hóa, phù hợp với xu hướng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Anh Đặng Khắc Đức – Xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai bày tỏ: “Vùng đất ở đây sâu bệnh nhiều, sau đó đi học hỏi kinh nghiệm ở Bình Phước tôi đã triển khai chanh dây và ổi Rubi ruột đỏ. Thấy cây ổi phát triển tốt”.

Anh Đinh Kếch – Làng Tpông 2, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, Gia Lai nói: “3 năm nay trồng chuối bán được có tiền. Dịp Tết, bán mỗi ngày được 5- 6 triệu đồng.”

Tuy nhiên do phần lớn diện tích sản xuất tự phát, thiếu sự liên kết trong sản xuất… vì vậy giá trị và thu nhập trên đơn vị diện tích còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để khắc phục những tồn tại này, vừa qua Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Trao đổi về vấn đề phát triển nông nghiệp của địa phương, đồng chí Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nói: “Trên cơ sở định hướng phát triển rau, hoa và cây ăn quả của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ thực trạng sản xuất rau, hoa và cây ăn quả của các địa phương trên địa bàn tỉnh và định hướng phát triển ngành trồng trọt của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, cơ quan chức năng xây dựng dự thảo Nghị quyết về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”.

Cùng với đó, Gia Lai cũng có định hướng đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch và định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đến năm 2030. Cụ thể, giai đoạn 2018-2020, phấn đấu hình thành và công nhận 3 vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao với quy mô 300 ha, 1 vùng sản xuất lúa hữu cơ 200 ha và 1 vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ 200 ha. Giai đoạn 2021-2025 hình thành và công nhận thêm 17 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Với định hướng phát triển đa dạng hóa các loại cây trồng, gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tăng cường sự liên kết tạo ra chuỗi giá trị…theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nếu thực hiện được Gia Lai mới có thể tạo sự bứt phá mạnh mẽ, góp phần gia tăng về sản lượng, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà Gia Lai may mắn được thiên nhiên ưu ái ban tặng về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Hồng Uyên, Duy Linh


Lượt xem: 27

Trả lời