Nông dân xã Đak Jơ Ta (Mang Yang) chuyển đổi diện tích lúa nước kém hiệu quả sang trồng mỳ

Cập nhật 16/3/2021, 13:03:09

Đak Jơ Ta là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Bước vào cao điểm mùa khô, nhiều diện tích lúa nước tại một số địa bàn không thể chủ động được nguồn nước tưới, dẫn đến năng suất đạt thấp hoặc mất trắng. Trước thực trạng này, địa phương đã vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích lúa nước sang trồng mỳ và bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan.

Bước vào mùa khô, hầu hết diện tích lúa nước tại cánh đồng Thôn 3, xã Đak Jơ Ta bị bỏ hoang vì không thể chủ động được nguồn nước. Chính quyền địa phương và ngành chức năng đã tiến hành khảo sát, vận động người dân chuyển qua trồng mỳ nhằm phát triển kinh tế.

Đây là vụ thứ 3 bà Hồ Thị Mười trồng mỳ trên diện tích này. Bà cho biết, cây mỳ chịu hạn tốt, cho năng suất ổn định và có giá trị cao hơn hẳn so với trồng lúa nước.

Bà Hồ Thị Mười – Thôn 3, xã Đak Jơ Ta, Mang Yang, Gia Lai nói: “Chuyển qua cây mỳ thì thấy rất phù hợp. Nhà thì trồng 1ha, trước đây trồng lúa giờ chuyển qua cây mỳ thì 1ha thu hoạch trừ chi phí hết rồi thì lời 20 triệu”.

Để giúp người dân ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo; sau khi khảo sát, xã Đak Jơ Ta đã phối hợp cùng ngành chức năng của huyện Mang Yang vận động người dân và chuyển đổi thành công 45ha diện tích lúa nước nằm tại các địa bàn xa công trình thủy lợi, thường xuyên bị hạn sang trồng mỳ. Đồng thời cử cán bộ thường xuyên theo dõi quá trình phát triển, xử lý bệnh hại trên cây trồng để ổn định năng suất.

Bà Nguyễn Lê Thu Thảo – Phó Chủ tịch UBND xã Đak Jơ Ta, Mang Yang, Gia Lai cho biết: “Chuyển đổi các diện tích lúa mà không đạt hiệu quả thì tiếp tục chuyển đổi qua cây mỳ. Được sự đầu tư thì sẽ chuyển đổi qua một số cây trồng ngắn ngày khác để mà nâng cao hiệu quả cho người dân”.

Bà Phan Thị Dung – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang, Gia Lai cũng cho biết: “Từng giai đoạn thì cán bộ sẽ luôn bám sát cơ sở để theo dõi quá trình phát triển cũng như tình hình sâu bệnh hại để mà có các biện pháp chỉ đạo cho người dân chủ động trong phòng trừ và phát triển cây trồng hiệu quả nhất”.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất thường xuyên bị hạn là nhiệm vụ trọng tâm hiện đang được huyện Mang Yang triển khai. Không chỉ chuyển qua trồng mỳ, hiện chính quyền địa phương đang đẩy mạnh liên kết với các nhà máy, cơ sở thu mua chế biên nông sản vận động người dân chuyển đổi nhiều diện tích các cây trồng kém hiệu quả sang trồng bắp ngọt, chanh dây và dứa. Đồng thời áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt trong giai đoạn cao điểm mùa khô./.

Đoàn Bình, Minh Trung


Lượt xem: 51

Trả lời