Nông dân trồng chanh dây tăng cường liên kết nâng cao giá trị sản phẩm

Cập nhật 09/9/2022, 14:09:21

Mặc dù là cây trồng mới nhưng hiện nay cây chanh dây đã và đang được trồng với diện tích khá nhiều tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Ia Grai nói riêng, mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, người trồng chanh dây đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng liên kết trong việc cung ứng giống, các dịch vụ vùng trồng và tiêu thụ sản phẩm, nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Gia đình chị Đỗ Thị Ninh, thôn Sát Tâu, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai trồng gần 3 ha chanh dây được hơn 3 năm nhưng chủ yếu chăm sóc theo kinh nghiệm vốn có của bản thân, năm nay chị tham gia tổ liên kết sản xuất chanh dây. Với chương trình liên kết, chị được hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật và ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Chị Đỗ Thị Ninh, Thôn Sát Tâu, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai cho biết: “Làm chanh dây nó có hiệu quả, từ đầu năm đến giờ thu cũng đạt sản lượng, 1 đợt thu được chục tấn 1 ha, 1 năm thu khoảng 30 – 40 chục tấn. Được đầu tư, hỗ trợ giống 1 phần, phân, kỹ thuật chỉ cho cách làm cũng hiệu quả cũng được, năng suất, mong bà con liên kết để trồng.”

Chanh dây là loại cây trồng tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh. Đồng thời, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng như: Rau màu, lúa, ngô,…nên nhiều hộ đã chọn chanh dây để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc trồng xen canh. Hiện nay, chanh dây đang có giá khoảng 11 đến 15 ngàn đồng/kg đối với chanh múc và 40 ngàn đồng/kg đối với chanh xuất khẩu châu Âu. Nhờ đó, chanh dây mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Thái , xã Ia Pếch, huyện Ia Grai cho biết: “Mọi năm trước chưa có tổ hợp tác thì nhiều hồi nông dân dầu ra lo bấp bênh, mình trồng lên tới mùa sợ ép giá, cũng sợ. Giờ đi vào tổ hợp tác, anh em nhà vườn cũng phấn chấn. Đầu ra, bên kia cũng kí hợp đồng rồi nên mình cũng an tâm.”

Để phát triển vùng trồng cũng như đảm bảo chất lượng chanh dây, nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các chương trình liên kết cung ứng giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch của bà con. Qua đó,  giúp nông dân thực hiện trồng, chăm sóc chanh dây theo tiêu chuẩn, đảm bảo các tiêu chí an toàn để chế biến thành phẩm và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Công Vương ,Trưởng phòng Kinh Doanh, Công ty Cổ phần Chanh leo Nafoods  cho biết: “Trong phát triển cây chanh leo, chuỗi giá trị của nó, Nafoods đã hoàn thiện được chuỗi khép kín từ phát triển giống, vùng trồng, chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, khâu phát triển vùng trồng cũng gặp khó khăn, để đảm bảo được chất lượng, số lượng đáp ứng nhu cầu khách hàng, chúng ta xây dựng vùng trồng ổn định và có tiêu chí kỹ thuật, chúng tôi tập trung phát triển vùng trồng.”

Từ ngày 1.7, Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu thí điểm chính ngạch chanh dây quả tươi sang thị trường Trung Quốc. Hứa hẹn, chanh dây sẽ là một trong 10 loại quả được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Với tiềm năng kinh tế từ cây chanh dây, tỉnh Gia Lai xác định chanh dây là 1 trong 4 loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh và là cây trồng chiến lược. Hy vọng, từ những nỗ lực được tỉnh, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân thực hiện sẽ đưa Gia Lai trở thành thủ phủ chanh dây Việt Nam trong thời gian tới.

Thúy Diện, R’Piên


Lượt xem: 3

Trả lời