Nông dân Nguyễn Văn Đức mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng biên giới

Cập nhật 04/5/2021, 10:05:50

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp mà nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai lựa chọn trong những năm gần đây trước những biến đổi của khí hậu. Trên vùng biên giới Đức Cơ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân Nguyễn Văn Đức ở làng Tung, xã Ia Nan đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích 1,4 ha cao su sang trồng cây ăn trái với những hiệu quả bước đầu mang lại khá khả quan.

Quyết định của ông Nguyễn Văn Đức khi chuyển từ cao su sang trồng cây ăn trái cũng khác với nhiều hộ dân ở xã Ia Nan. Một phần vì thời điểm đó giá mủ cao su thấp, thế nhưng cái chính là ông không muốn môi trường cũng như cuộc sống của người dân trong khu dân cư nơi ông đang ở bị ảnh hưởng vì cây cao su.

Ông Nguyễn Văn Đức – Xã Ia Nan, huyện Đức Cơ nói: “Gia đình tôi thì trồng cao su cũng nhiều nhưng ở đây sau khi người ta quy hoạch khu dân cư mà mình trồng cao su nữa thì thứ nhất là về môi  trường cũng không đẹp. Khu dân cư mà mình trồng cao su thì nó cũng ảnh hưởng chung đến bà con nên gia đình chúng tôi quyết định chuyển cây ăn quả”.

Mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 1,4 ha cao su của gia đình sang trồng cây ăn trái với nhiều loại như: Sầu riêng, chôm chôm, bơ, cam, na Thái, bưởi, mít, vú sữa và bòn bon; đến nay sau gần 02 năm, vườn cây ăn trái của gia đình ông đang sinh trưởng, phát triển tốt và có loại cũng đã cho thu bói. Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng biên giới với khí hậu khắc nghiệt hơn những địa phương khác, ông Đức cũng quyết định đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm theo kiểu tưới béc thấp ở gốc cho vườn cây ăn trái của gia đình và xem đây là giải pháp vừa tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với tưới theo kiểu truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Đức – Xã Ia Nan, huyện Đức Cơ cũng nêu: “Giờ nguồn nước cho các loại cây trồng thiếu rất chi là nhiều, do vậy gia đình cũng dùng tưới tiết kiệm để mà tiết kiệm nước đảm bảo cho cây trồng, chứ nếu mà mình tưới thủ công thì không thể đủ được. Nếu mà tưới tiết kiệm thì nó vẫn có cái lợi hơn. Cây trồng nếu mà mình tưới dí tưới một lúc nhiều thì cây phát triển khó hơn, có thể mặt đất bị bịt phía trên lại như vậy là thiếu ô-xy, cây phát triển kém, kể cả bộ rễ. Mình tưới nhỏ giọt như thế này thì đủ độ ẩm của nó, cây phát triển rất tốt”.

Ông Phạm Văn Thủy – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nan, huyện Đức Cơ cho biết: “Riêng trên địa bàn xã Ia Nan thì những mô hình như của gia đình anh Đức đây thì thực chất cũng có khoảng 10 hộ mới chuyển đổi. Thực chất về cây ăn trái đây, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước thì riêng vùng trên địa bàn xã Ia Na cũng rất hợp”.

Thay đổi tư duy trong sản xuất, những mô hình phát triển cây ăn trái như của gia đình ông Đức đang mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương; góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./.

Mỹ Tiến, Xuân Huy


Lượt xem: 17

Trả lời