Nông dân Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah liên kết nuôi ong mật đem lại hiệu quả cao

Cập nhật 15/10/2021, 15:10:31

Tận dụng lợi thế của địa phương về nguồn tài nguyên rừng phong phú, khí hậu trong lành, nông dân xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah đã đầu tư phát triển nghề nuôi ong mật, đem lại nguồn thu nhập cao. Điều đáng ghi nhận nữa là hiện nay, nông dân trên địa bàn xã đã hình thành Tổ liên kết nuôi ong mật và từng bước xây dựng mật ong thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Nhằm hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế, năm 2017, Tổ liên kết nuôi ong mật xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah được thành lập với 10 thành viên tham gia. Sau 4 năm đi vào hoạt động, Tổ liên kết đã phát triển khá ổn định với quy mô 5.000 đàn ong. Thông qua sinh hoạt, các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nuôi ong, kỹ năng quản lý, kỹ thuật chăn nuôi đàn ong nên đàn ong của từng thành viên giảm thiểu dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, giảm rủi ro trong quá trình chăn nuôi ong sạch. Đây chính là nguyên nhân giúp tăng năng suất, sản lượng, chất lượng các sản phẩm như mật ong, phấn hoa của Tổ liên kết. Năng suất, chất lượng mật ong, phấn hoa tăng lên đồng nghĩa với cánh cửa tiêu thụ sản phẩm được rộng mở và ngày càng nhận được sự tín nhiệm của các khách hàng.

Anh Đoàn Hữu Thắng – Chủ cơ sở mật ong T- Bee, xã Nghĩa Hưng, Chư Păh cho biết: “Gia đình đã có thâm niên 20 năm trong nghề nuôi ong lấy mật ở xã Nghĩa Hưng. Gia đình học hỏi kinh nghiệm nên đàn ong của gia đình phát triển ổn định, tăng lên theo từng năm. Gia đình tham gia vào tổ liên kết nuôi ong và đến nay, gia đình tôi đã có khoảng 600 đàn ong, trung bình mỗi năm bán được khoảng 30 tấn mật, sản phẩm tốt thu được lợi nhuận cao”….

Hiện nay, có nhiều thành viên trong tổ đã giới thiệu được sản phẩm mật ong, phấn hoa tại các hội chợ, triễn lãm; thậm chí, một số thành viên đã năng động, nhạy bén nắm bắt sự tiện lợi của thương mại điện tử để đưa sản phẩm bán trên các sàn thương mại nổi tiếng trong nước.

Chị Đoàn Thị Thúy – Chủ cơ sở mật ong Phước Hỷ Thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh cũng nói: “Gia đình đã nuôi ong lâu và có kinh nghiệm. Cùng với đó thì gia đình đã học hỏi kinh nghiệm và đầu tư máy móc để sang chế mật ong thô thành những mật ong sang tách mật ong để tạo ra sản phẩm có giá trị. Hiện nay, sản phẩm mật ong Phước Hỷ của gia đình tôi được lựa chọn tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm của địa phương và sản phẩm được bán trên mạng và phân phối đi nhiều nơi”….

Toàn xã Nghĩa Hưng hiện có khoảng 80 hộ nuôi ong với khoảng 11.000 đàn. Riêng Tổ liên kết nuôi ong với 10 thành viên và số lượng trên 5.000 đàn ong. Nghề nuôi ong lấy mật cần ít vốn đầu tư nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nhiều việc làm cho người lao động lúc nông nhàn. Nhờ nuôi ong lấy mật mà kinh tế gia đình của nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn xã Nghĩa Hưng đã được cải thiện, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Dư – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh cho biết: “Tổ liên kết nuôi ong mật của địa phương đi vào hoạt động và đã phát huy được hiệu quả. Nhiều hội viên đã hình thành cơ sở chế biến sản phẩm mật ong có thương hiệu trên thị trường, mang lại nguồn lợi nhuận khá cao, điển hình như cơ sở Phước Hỷ, T- Bee…. Hội nông dân đã hỗ trợ  hội viên xây dựng thương hiệu Ocop để tạo điều kiện cho sản phẩm vươn ra thị trường các tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động thu hút nhiều hội viên tham gia  Tổ liên kết và từng bước xây dựng mật ong trở thành sản phẩm đặc trưng của  địa phương”….

Tổ liên kết chăn nuôi ong mật sạch tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh là một trong những mô hình liên kết sản xuất hiệu quả của nông dân. Các thành viên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cũng như giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt khâu trung gian, tăng hiệu quả kinh tế. Từ hiệu quả của mô hình này cũng là cơ sở quan trọng để địa phương từng bước xây dựng phát triển các mô hình kinh tế tập thể, đem lại lợi nhuận cao cho nông dân tại địa phương./.

Ngọc Ánh, Duy Linh


Lượt xem: 25

Trả lời