Nông dân loay hoay với “trồng cây gì”?

Cập nhật 23/3/2016, 10:03:25

Sản xuất thì phụ thuộc vào thời tiết, còn sản phẩm làm ra thì phụ thuộc vào thị trường. Đó là những khó khăn khiến bà con nông dân hiện nay đang loay hoay không biết chọn “trồng cây gì”, bởi trên thực tế đã có những mùa vụ bội thu nhưng bà con nông dân vẫn phải chịu thua lỗ.

 

 Việc phát triển mạnh cây mỳ vượt quy hoạch với một diện tích lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nông dân, thậm chí là có thể sẽ bị “trắng tay” khi giá mỳ thấp bởi sản lượng đầu ra không tiêu thụ được 

Mỳ là một trong những loại cây ngắn ngày có lợi thế là dễ trồng, chi phí đầu tư thấp so với một số loại cây trồng khác, và ít khi bị mất mùa do thời tiết tác động. Bên cạnh đó, giá cả thị trường trong nhiều năm liền tương đối luôn ổn định nên người trồng mỳ có mức lợi nhuận khá cao. Từ chỗ có lời, cây mỳ ở Gia Lai cũng được nông dân đầu tư thâm canh tăng năng suất bằng việc đưa các loại giống mới vào trồng đại trà như KM 94, KM 95, và đang tiếp cận với một số giống tiên tiến như KM 140, KM 419… Tuy nhiên, việc phát triển mạnh cây mỳ vượt quy hoạch với một diện tích lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nông dân, thậm chí là có thể sẽ bị “trắng tay” khi giá mỳ thấp bởi sản lượng đầu ra không tiêu thụ được hết trên thị trường. Hiện tại, giá mỳ trên thị trường cũng giảm hơn gần một nửa so với năm 2015.

Chị Hoàng Thị Năng – xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai   cho biết: “1ha mỳ thì mình đầu tư phải tầm khoảng 10 triệu đồng. Nếu mà giá cả như năm nay, mình đầu tư cứ như thế mà giá mỳ nó xuống thì những người làm nông như thế này lỗ. Bây giờ mình thuê công một ngày là 130.000-150.000 đồng, mà mỳ hạ quá; có nhà mỳ xấu thì người ta đạt có 11-12 tấn/ha, còn nhà đạt thì 15-16 tấn. Nói chung làm nông như năm nay thì lỗ; tiền phân, tiền tro năm nay so ra là lỗ”.

Trái ngược với diện tích mỳ tăng thì diện tích điều của tỉnh những năm qua ngày càng giảm mạnh và hiện chỉ còn hơn 20.000ha. Nếu so với nhiều loại cây công nghiệp dài ngày khác như cà phê, tiêu… thì lợi nhuận thu được từ cây điều không cao; thế nhưng với chi phí đầu tư và công chăm sóc không nhiều nên người dân vẫn có thể thu lợi. Tuy nhiên cũng có những thời điểm giá điều thấp, người dân vội vàng chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác, để rồi đến khi điều được giá như năm nay lại cảm thấy tiếc. Thực tế này cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong đầu tư cho cây điều và đòi hỏi cần phải có chiến lược phát triển phù hợp, tương xứng với tiềm năng của những vùng đất sản xuất điều của tỉnh trong thời gian tới.

Ông Đào Lân Hưng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện IaGrai, tỉnh Gia Lai cho biết về quy hoạch cây điều của huyện: “ Về cây điều hiện nay đối với huyện là định hướng giữ ổn định diện tích, không mở rộng diện tích nữa; tập trung vào cải tạo những vườn năng suất thấp hoặc những vườn già cỗi nên cải tạo”.

Còn nhiều loại cây trồng khác vốn được xem là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của Gia Lai như cao su, cà phê hay tiêu, nhưng cái vòng luẩn quẩn “trồng-chặt” rồi “chặt-trồng” đã và đang cứ thế diễn ra, dẫn đến những khó khăn cho nông dân bởi thiếu những định hướng tư vấn và quản lý của các cơ quan chức năng nên sự phát triển cây trồng, sản phẩm hàng hóa đang chạy theo phong trào và lợi nhuận trước mắt mà chưa tính đến chuyện lâu dài. Rõ ràng không thể kỳ vọng có một thị trường luôn luôn có giá ổn định ở mức cao có lợi cho nông dân, do vậy phải tìm cách để thích ứng với thị trường, và cách tốt nhất là phải lựa chọn và phát huy những lợi thế của địa phương, hỗ trợ nông dân làm ra sản phẩm với chất lượng cao hơn và giá thành hạ hơn để trong mọi tình huống của thị trường, nông sản của người nông dân vẫn có khả năng cạnh tranh cao. Có như vậy người nông dân mới không còn loay hoay trong việc chọn trồng cây gì ./.     

Mỹ Tiến- Duy Linh – Xuân Huy


Lượt xem: 84

Trả lời