Nông dân Ia Grai liên kết trồng cà phê 4C

Cập nhật 22/6/2023, 07:06:00

Liên kết trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều nông dân, nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường và giúp vườn cà phê được bền vững. Phương thức canh tác này đang được nhiều nông dân tại huyện Ia Grai áp dụng trên vườn cây, đem lại những lợi ích thực tế cho người trồng cà phê vùng trọng điểm nơi đây.

Bước sang năm thứ 3, vườn cà phê tái canh của gia đình nông dân Quách Thị Ngọc Lý, thôn 8, xã Ia Tô sinh trưởng tốt, cho trái dày, cành lá khỏe. Thay đổi phương thức canh tác cà phê truyền thống, đây là diện tích tiếp theo được gia đình chị liên kết với doanh nghiệp tại địa phương trồng theo tiêu chuẩn 4C, với tổng diện tích 3 ha. Theo nhận định của những nông dân trồng cà phê lâu năm tại đây, sản lượng năm đầu tiên thu hoạch của vườn cây có thể đạt 12 tấn/ ha, cao hơn phương thức canh tác cũ 3-4 tấn. Đặc biệt, canh tác cà phê theo tiêu chuẩn 4C còn đem lại cho nông dân những lợi ích thực tế khác.

Chị Quách Thị Ngọc Lý, thôn 8, xã Ia Tô, huyện Ia Grai nói: “Mình trồng 4C thì phải tự dọn cỏ, không được phun thuốc, cũng tốn công nhưng đổi lại, cây cho sản lượng tốt, vườn bền vững nữa. Cũng không phải lo về đầu ra bấp bênh. Còn được cộng thưởng 300 k mỗi tấn, nông dân rất vui.”

Với mô hình liên kết với doanh nghiệp trồng cà phê 4C, ngày càng có nhiều hộ dân tham gia, mở rộng diện tích. Riêng liên kết với công ty TNHH MTV Sơn Huyền Phát Gia Lai, đến nay, toàn huyện Ia Grai có trên 1000 hộ nông dân liên kết trồng gần 3000 ha, cho nguồn nguyên liệu sạch khoảng 10 ngàn tấn nhân mỗi vụ. Riêng xã Ia Tô, có 425 hộ dân, tham gia trồng 600 ha cà phê 4C. Các hộ dân tham gia theo liên kết tổ nhóm, nông hội, áp dụng nghiêm túc các quy định về chăm sóc vườn cây, bón phân, phòng trừ dịch hại bằng sản phẩm trong danh mục cho phép. Nông dân được tham gia tập huấn kĩ thuật, các quy trình từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch.

Anh Rơ Châm Tâm, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Tô, Ia Grai bày tỏ: “Mình đứng ra tổ chức các hoạt động cho các chi, tổ hội, rồi tập huấn, phổ biến kiến thức cho nông dân. Bà con rất vui khi tham gia vào các tổ hội này.”

Ông Võ Khôi Hạ, Trưởng Ban quản lý Cà phê Bền vững, Công ty TNHH MTV Sơn Huyền Phát Gia Lai cho biết: “Chương trình bền vững này, ngoài việc được thu mua theo giá thị trường, chúng tôi thường xuyên tập huấn về canh tác bền vững cho người trồng cà phê về quy tắc 4c. Nông dân hoàn toàn tự nguyện và áp dụng đúng chuẩn trồng cà phê bền vững đề ra.”

Nhờ áp dụng đúng quy trình sản xuất nên năng suất các vườn cây tăng từ 15- 20% so với trước đây. Trong quá trình sản xuất, các thành viên được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất. Nông dân cũng được tư vấn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng cả về lý thuyết và thực hành ngay trên vườn cây.

Ông Châu Tấn Lập, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai trao đổi: “Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông, chúng tôi đã thực hiện được mấy chục tổ liên kết nghề nghiệp, trồng cà phê bền vững theo hướng hữu cơ, nâng cao đời sống bà con. Chúng tôi cũng hỗ trợ nguồn vốn vay thông qua những tổ liên kết này.”

Liên kết giữa các “nhà” đang là hướng đi bền vững trong sản xuất, nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, an toàn cho sức khỏe nông dân và người tiêu dùng. Vừa đảm bảo lợi ích các bên, cũng như xây dựng nguồn nguyên liệu rộng lớn, ổn định cho nông sản địa phương. Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tổ chức hội nông dân huyện Ia Grai đặt ra nhằm hỗ trợ nông dân phát triển trong những năm tiếp theo

Minh Lý – Ksor Tuối


Lượt xem: 20

Trả lời