Nông dân Gia Lai tham gia chuyển đổi số

Cập nhật 10/10/2022, 07:10:30

Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong xã hội, để mỗi ngành, mỗi lĩnh vực không bị bỏ lại phía sau. Nông nghiệp- nông dân cũng không nằm ngoài xu hướng này. Với mặt bằng dân trí không đồng đều và nhiều thách thức đặc thù, nông dân Gia Lai đang nỗ lực để tham gia vào quá trình số hóa, tạo ra những giá trị mới, cách làm mới khoa học hơn, hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Quản lý vườn cây tiêu chuẩn 4C, quản lý chi phí đầu tư, theo dõi quá trình chăm sóc, hướng dẫn kĩ thuật canh tác…những người nông dân này thời gian gần đây đã sử dụng thành thạo ứng dụng FFB- Nhật kí nông hộ từ phía doanh nghiệp cung cấp để sản xuất cà phê bền vững. Không cần ghi chép trên giấy như trước đây, dễ dàng, rõ ràng hơn khi hạch toán chi phí, cũng không cần loay hoay với bệnh dịch, tìm kiếm chủng loại phân bón, hay thuốc BVTV phù hợp và lợi nhuận thì được đảm bảo, khi các công ty sẽ thu mua với giá cả tốt…đó là những lợi ích hơn hẳn phương thức canh tác truyền thống.

Anh Nguyễn Ngọc San – Thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh chia sẻ: “Trước đây cứ làm thủ công, không biết đường tính. Bây giờ sử dụng những ap, công nghệ thông tin thì rất là tốt và dễ dàng cho chúng tôi.”

Ông Nguyễn Văn Dư – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh cho biết: “Hội Nông dân đã có phần mền quản lý hộ, và 4 nhóm hộ. Ngày trước thì nông dân ghi chép bằng sổ sách, bây giờ thì dễ hơn, hoàn toàn trên máy tính. Trong đó có nhật kí hàng ngày, tưới nước bón phân thu hoạch…Hội quản lý qua nhóm, tập huấn, hướng dẫn bà con sử dụng, rồi hỡ trợ bà con khi mình đi thăm nông hộ.”

Cùng với ứng dụng công nghệ thông tin, làm quen với các thiết bị thông minh để thuận tiện hơn trong đời sống sản xuất, nhiều nông dân tại Gia Lai đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng khoa học kĩ thuật để giảm chi phí nhân công, tiết kiệm thời gian, lao động. Sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP được quảng bá, tham gia trên các sàn thương mại điện tử, được kết nối qua nền tảng mạng xã hội để vươn ra thị trường rộng lớn, đến tận tay người tiêu dùng. Điển hình như Postmart (của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam), ocopgialai, Shopee, Sendo…với 503 sản phẩm nông nghiệp, 42 sản phẩm Ocop được hỗ trợ mua bán, trao đổi với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Liên kết, tham gia số hóa đang giúp nông dân Gia Lai đi đúng hướng để hội nhập, nâng tầm giá trị, thương hiệu nông sản địa phương, và việc sản xuất, chế biến dần chuyên nghiệp, uy tín hơn để đem lại giá trị vững bền.

Ông A Lưng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đak Đoa nói: “Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số cho nông dân, chúng tôi đã hướng dẫn nông dân chuyển đổi số lên sàn, đến nay có 42 hộ sản xuất nông nghiệp đã đăng kí. Triển khai triển đổi số địa bàn đa số người DTTS, sử dụng điện thoại thông minh còn hạn chế, thực hiện các thao tác cũng còn hạn chế.”

Ông Phạm Nhuần – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai cho biết: “Hội nông dân tỉnh đã tuyên truyền, hỗ trợ nông dân sử dụng điện thoại thông minh, phối hợp với bưu điện tỉnh để đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch, để nâng tầm giá trị sản phẩm. Đây là một xu thế tất yếu thời đại 4.0. lan rộng mọi nơi. Vì thế hội viên nông dân cung không nằm ngoài xu thế tất yếu này.”

Với đa phần nông dân trình độ không đồng đều, hạn chế về điều kiện tiếp cận và khoảng 53 % hội viên nông dân là đồng bào DTTS, khả năng nắm bắt tham gia chuyển đổi số của nông dân Gia Lai sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ đắc lực từ chính quyền và tổ chức Hội Nông dân các cấp, nông dân Gia Lai chắc chắn sẽ là một thành phần không nhỏ, tích cực tham gia chuyển đổi số, cập nhật tri thức mới và mở ra những cách nghĩ, cách làm mới, không ngại đổi thay để hòa nhịp xu thế

Minh Lý – Ksor Tuối – Minh Vũ


Lượt xem: 48

Trả lời