Nông dân Gia Lai liên kết để phát triển

Cập nhật 14/10/2022, 07:10:40

Từ Nghị quyết số 04 đến Nghị quyết số 10, Ban Chấp hành TW Hội Nông dân Việt Nam khóa VII đặt ra những mục tiêu cần thiết về xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Qua các hình thức trong liên kết sản xuất đã góp phần hình thành tư duy mới của thế hệ nông dân thời kỳ đổi mới, hội nhập, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Và thực tế này đang được chứng minh khi ngày càng có nhiều mô hình liên kết của nông dân Gia Lai được thành lập, phát huy hiệu quả. Phóng sự được thực hiện nhân Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2022).

Khu dân cư của đồng bào DTTS phía Bắc vào định cư những năm 1990. 120 hộ dân thuộc các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng sống tập trung tại thôn Ia Jôl, xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Gọi là tập trung nhưng nhà cách nhà, hộ cách hộ…xen lẫn những khoảng đất canh tác rộng lớn. Chủ yếu vẫn là trồng cây ngắn ngày, cùng với đó là chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu liên kết…

Vài tháng trước, một tổ hội nông dân nghề nghiệp được thành lập  với 5 thành viên, là những hộ chăn nuôi dê với tổng đàn khoảng 200 con. Lần đầu tiên một tổ hội được thành lập, bước đầu liên kết những hộ dân lại gần nhau hơn.

 Ông Lê Việt Chiến – Thôn Ia Jôl, xã Ia Le, huyện Chư Pưh nói: “Từ khi liên kết, cũng đỡ hơn, khi con vật đau bệnh chia sẻ kinh nghiệm với nhau, giải quyết rất dễ dàng. Nhất là hội viên rất yên tâm vì liên kết với hợp tác xã, giao kết bán mua theo giá cả thị trường.

Ông Đỗ Văn Đặng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Iale, huyện Chư Pưh cũng cho biết: “Trên địa bàn xã cũng có nhiều mô hình tổ hội nghề nghiệp được thành lập, chủ yếu gồm những hội viên cùng sở thích hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện,hỗ trợ nhau cùng phát triển. Chúng tôi cũng kết hợp với ngành chuyên môn để hỗ trợ nông dân để tập huấn kiến thức nông nghiệp, kĩ năng hội nhập cho hội viên”.

Đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, đến nay, các cấp Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã thành lập 749 chi hội/tổ hội nông dân nghề nghiệp, thu hút hơn 10 ngàn hội viên tham gia, sản xuất khoảng 30 ngàn ha cây trồng các loại và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các chi hội, tổ hội này hoạt động theo phương thức “5 tự, 5 cùng”: tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và cùng chí hướng, cùng mối quan tâm, cùng chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm và cùng thụ hưởng. Các hình thức sản xuất tập thể đang hướng nông dân tại một số vùng tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng sản xuất các loại cây trồng chủ lực, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và tiến đến liên kết các nhà, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Ông Phạm Như Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành An, TX. An Khê nói: “Chúng tôi có những tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã để trao đổi chia sẻ với nhau về thị trường, về bệnh dịch. Từ đó nông dân dễ dàng hơn trong xử lý các vấn đề liên quan đến cây trồng vật nuôi”.

Hỗ trợ các chi, tổ hội nghề nghiệp phát triển đúng định hướng, các cấp Hội Nông dân Gia Lai tạo điều kiện để nông dân tiếp cận với vốn vay, mở rộng quy mô sản xuất. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh hiện có hơn 47 tỷ đồng, đã thẩm định và giải ngân hơn 14,8 tỷ đồng cho 55 dự án với 565 hộ hội viên nông dân vay phát triển sản xuất, trong đó phần lớn là thành viên các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân, các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh về phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh nông sản an toàn, kĩ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi bền vững.

Ông Trần Đức Hậu –  Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pưh cho biết: “Với sự đòi hỏi của cơ chế thị trường hiện nay, việc liên kết với nhau là một đòi hỏi tất yếu. Nhiều nông dân đã tự liên kết lại với nhau để tìm đầu ra, đầu vào ổn định.  Dần dần hình thành các liên kết trong sản xuất”.

Ông Phạm Nhuần – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Gia Lai nêu: “Chúng tôi tổ chức tập huấn, tuyên truyền dựa trên nhu cầu đã được khảo sát trong dân,từ đó phối hợp với ngành chuyên môn để hỗ trợ nông dân. Họ rất muốn được có kiến thức, nắm bắt để có thể liên kết và sản xuất bền vững hơn”.

Có thể vẫn còn một số mô hình, cách làm chưa hiệu quả nhưng nông dân Gia Lai khắc phục khó khăn, nỗ lực hướng đến xu hướng tất yếu, cần thiết của sản xuất nông nghiệp thời kỳ hội nhập. “Muốn đi xa thì đi cùng nhau”- Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, hội viên nông dân đang sát cánh khắc phục những tồn tại trong tư duy cũ, sẵn sàng đổi mới để phát triển bền vững hơn./.

Minh Lý, Viễn Khánh


Lượt xem: 14

Trả lời