Nông dân Đăk Pơ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi

Cập nhật 29/6/2022, 16:06:31

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn với những mô hình kinh tế hiệu quả hơn chính là cách thức mà hội viên nông dân huyện Đăk Pơ đang chú trọng khai thác từ tiềm năng đất nông nghiệp địa phương. Hiệu quả từ những cách làm này đã góp phần nâng cao chất lượng phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nông dân giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Mô hình nuôi bò vỗ béo của nông dân Đặng Kim Hà, thôn Tân Hòa, xã Tân An, huyện Đăk Pơ: Hơn 50 con bò được nuôi nhốt trong khu chuồng trại mới được đầu tư căn bản. Cùng với thức ăn chính là cỏ voi được trồng trong khu sản xuất liền kề, bò được cho ăn thêm cám hữu cơ, được chăm sóc sức khỏe, tiêm phòng đầy đủ các bệnh thường gặp theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Đây là cách thức mà anh Đặng Kim Hà chuyển đổi mô hình chăn nuôi truyền thống, trong điều kiện diện tích đồng cỏ không ngừng bị thu hẹp, giá bò thịt bấp bênh. Bò được nuôi, chăm sóc đúng kĩ thuật nên phát triển có trọng lượng tốt, chất lượng thịt đảm bảo, đem lại lợi nhuận cao hơn trước. Ông Hà cho biết: “Chăn nuôi như hiện nay thì mình không phải thuê người đi chăn, dắt bò như trước. Bò khi được vỗ béo, có người mua được giá thì mình bán, cũng có lời hơn trước. Quan trọng là mình phải theo dõi đàn bò, kịp thời vac xin để phòng bệnh cho đàn bò”.

Đối với ông Võ Ngọc Minh ở thôn 2, xã Hà Tam khá hào hứng với mô hình liên kết trồng chanh không hạt. Trên diện tích 7 ha đất sản xuất này, hàng chục năm nay đã có nhiều loại cây trồng được ông chuyển đổi, mong có được hiệu quả cao. Thời gian gần đây Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Thành đứng ra liên kết cho nông dân trồng chanh không hạt, ông đã mạnh dạn mở rộng diện tích chanh hơn 2,5 ha. Chanh không hạt được chăm bón đúng kĩ thuật, cho chất lượng quả tốt, giá bán ra thị trường đạt 20-25 ngàn/kg, đang tạo ra những triển vọng lớn cho mô hình liên kết trong sản xuất của nông dân nơi đây.

Ông Võ Ngọc Minh, thôn 2, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ cũng cho biết: “Mình tham gia trồng chanh không hạt trước mắt thấy cũng có lợi nhuận. Đầu ra mình được bao tiêu căn bản, mà giá hiện nay cũng được nữa nên cũng có thu nhập khá. Tôi trồng ở đây nhiều loại cây rồi, nhưng chúng tôi thấy cứ được tham gia liên kết trong sản xuất, nông dân bình ổn về đầu ra là yên tâm”.

Song song với phát triển vùng chuyên canh cây rau màu, huyện Đăk Pơ đang từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả với hơn 440 ha, tập trung ở các xã Tân An, thị trấn Đăk Pơ, Hà Tam…. Dự kiến giai đoạn 2021-2025 huyện sẽ chuyển đổi 96 ha đất trồng cây kém hiệu quả khó khăn về nguồn nước sang trồng cây phù hợp. Cùng với đó khuyến khích, hỗ trợ nông dân tham gia các mô hình liên kết, tổ hợp tác, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Bà Nguyễn Thị An, xã Tân An, huyện Đăk Pơ nói: “Vùng đất này trước đây trồng la gim, giờ vợ chồng lớn tuổi không có sức làm màu nữa, chuyển qua trồng cây nhãn. Bước đầu thấy cũng có hiệu quả, thu nhập cao hơn trồng rau màu. Chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ tìm đầu ra để ổn định sản xuất”.

Ông Nguyễn Đình Nhỏ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Pơ nói: “Hội nông dân huyện đã tăng cường tập huấn cho hội viên về các kĩ năng giúp nông dân hội nhập, đáp ứng với yêu cầu thời kì đổi mới. Đặc biệt, đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất, giúp nông dân nắm được các kĩ năng, quy trình để thực hiện liên kết bền vững trong sản xuất. Từ đó, đổi mới và và nâng cao hiệu quả phong trào sản xuất kinh doanh giỏi trong hội viên nông dân”.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả không những đem lại thu nhập khá cho người dân, mà còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất, tạo nguồn nông sản phong phú tại địa phương. Cùng với đó, nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương./.

Minh Lý, Ksor Tuối


Lượt xem: 17

Trả lời