Nông dân Cư An chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Cập nhật 23/8/2023, 10:08:03

Nông dân Cư An chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng

7 sào bưởi da xanh của gia đình ông Nguyễn Tấn Cuộc, khu vực Đá lửa thôn An Định, xã Cư An. Trước đây trên diện tích này, gia đình ông  trồng mía nhưng thu nhập không cao. Năm 2017 ông Cuộc đã mạnh dạn chuyển đổi 04 sào đất trồng mía của gia đình sang trồng bưởi da xanh. Sau 04 năm trồng và chăm sóc, vườn bưởi của ông bắt đầu cho thu hoạch. Chất lượng quả ngọt, trái sai, giá bán ra thị trường dao động từ 30 đến 40 nghìn đồng/kg. Thấy hiệu quả kinh tế của cây bưởi mang lại, ông đã mở rộng diện tích  thêm 3 sào. Đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình ông Cuộc cung cấp ra thị trường 12 tấn bưởi. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/ năm.

Ông Nguyễn Tấn Cuộc – Thôn An Định, xã Cư An, huyện Đak Pơ cho biết: “Đi miền nam về thấy cây bưởi da xanh này kinh tế rất cao mà ổn định hơn các loại cây trồng khác nên gia đình mới nghiên cứu chuyển đổi sang cây bưởi da xanh. Từ ngày chuyển sang bưởi da xanh làm cho tới hôm nay thì nói chung là kinh tế rất ổn định so với các loại cây trồng khác ”

Gia đình bà Mai Thị Chung cũng trồng trên 1 ha quýt đường  tại khu khu vực Đá lửa này. Bình quân mỗi năm gia đình bà thu hoạch trên 20 tấn quýt đường và cung cấp cho thị trường ở các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Gia Lai. Với giá bán từ 15 đến 30.000/kg, sau khi trừ mọi chi phí gia đình bà thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Bà Mai Thị Chung – Thôn An Định, xã Cư An, huyện Đak Pơ nói: “Nói chung ở đây muốn làm cây nông nghiệp mà thiếu nước, mong muốn cấp trên cũng đầu tư vô ủng hộ bà con làm, có điều kiện làm sinh sống, giờ cũng muốn làm mà thiếu nước”

Khu vực núi Đá Lửa có hơn 550 ha đất sản xuất, hiện nay tại đây đã có 38 hộ đã mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả với diện tích trên 88 ha. Theo bà con ở đây, điều kiện khí hậu, thời tiết và thổ nhưỡng Đá lửa rất phù hợp với việc trồng các loại cây ăn quả. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, người dân thu được hơn 100 triệu đồng/ha. Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; kiện toàn lại tổ nông hội cây ăn quả của xã để trở thành địa chỉ tin cậy chia sẻ những kinh nghiệm trồng và chăm sóc cho nông dân…. Nhờ đó, đến nay tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn không ngừng tăng lên. Đồng thời, xã cũng kết nối với các doanh nghiệp ở Đà Nẵng để tạo đầu ra ổn định để tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Trần Quốc Khoa – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cư An, huyện Đak Pơ cho biết: “Trong thời gian đến, địa phương đã có kế hoạch làm việc với một số nhà vườn ở miền tây để học tập và có kinh nghiệm để giúp đỡ nhân dân trên địa bàn có kinh nghiệm trồng cây ăn trái cũng như chăm sóc theo thổ nhưỡng của trên địa bàn xã

Thời gian tới, xã Cư An sẽ tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng những loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và mang lại giá trị kinh tế cao.

CTV Tuyết Mai – Văn Dũng


Lượt xem: 7

Trả lời