Nông dân Chư Pah hướng đến sản xuất trái cây sạch

Cập nhật 29/4/2022, 12:04:09

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vài năm trở lại đây, nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Chư Pah đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái. Đặc biệt, nắm bắt nhu cầu thị trường, hiện nay nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chư Pah đã đầu tư phát triển sản xuất trái cây theo hướng hữu cơ để đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương.

        Cách đây 3 năm, ông Nguyễn Chất Sâm đã quyết định rời TP. HCM về thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah để đầu tư kinh phí xây dựng trang trại nông nghiệp hữu cơ với 2 loại cây trồng chính là mít Thái và sầu riêng. Để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng trái cây, từ khâu trồng đến khâu chăm sóc, ông đều áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ. Đặc biệt, ông Sâm đã đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt được lắp đặt đến từng gốc cây trồng để đảm bảo nguồn nước tưới quanh năm cho cây và đỡ tốn công chăm sóc. Ngoài mít Thái đã cho thu hoạch, hơn 1.500 cây sầu riêng sẽ cho thu bói trong năm nay.

Ông Nguyễn Chất Sâm – thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah cho biết: “Cây phát triển hoàn toàn theo hướng hữu cơ, tôi nuôi cỏ, cắt cỏ làm chất mùn cho đất tơi xốp và các loại phân hữu cơ để cây tốt/ Để tăng trưởng tự nhiên thì ăn múi mít rất đậm đà, ngọt, khách các nơi ăn đều khen sao quả lại ngon, đậm đà như thế”.

        Việc trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ, thay thế phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoá học bằng các loại phân có nguồn gốc sinh học hiện đang được người dân áp dụng vào quá trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ông Lê Quang Giang – Thôn 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pah cũng nói: “Cây sầu riêng chủ yếu là cây rễ nước, mình đầu tư chủ yếu phân hữu cơ là chính, còn phân hóa học thời kỳ mang trái mình sử dụng ít thôi, chứ chủ yếu nó là phân hữu cơ, trong đó nguồn trấu cà của nhà rồi mua thêm phân bò. Đầu tư chi phí gia đình làm cũng mức độ nhưng năng suất hiệu quả. Chăm theo hướng hữu cơ thì người nông dân cũng đảm bảo sức khỏe mà người tiêu dùng cũng an toàn”.

Ông Trần Đắc Thắng – Phó Trường phòng NN&PTNT huyện Chư Pah cho biết: “Trong thời gian tới Phòng nông nghiệp sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp  mở các lớp tập huấn để hướng dẫn tuyên truyền người dân áp dụng các quy trình chăm sóc cây theo chứng nhận, theo tiêu chuẩn VietGap. Bước đầu là định hướng người dân sản xuất theo hướng VietGap, sau đó thì tiến tới sản xuất theo các chứng nhận cao hơn như Globol Gap, hoặc là tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời tuyên truyền người dân có vườn cây ăn trái hình thành các chuỗi liên kết để thông qua đó thu hút các doanh nghiệp vào liên kết với người dân để đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến để xây dựng thương hiệu cây ăn quả trên địa bàn huyện để đảm bảo đầu ra, nâng cao giá trị sản xuất cho người dân”.

        Theo thống kê, hiện tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện Chư Pah khoảng 600 ha, trong đó phát triển mạnh nhất là cây sầu riêng với khoảng 400 ha. Để phát triển diện tích cây ăn trái bền vững, bên cạnh quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái, ngành chức năng huyện Chư Pah đã vận động người dân nâng cao nhận thức về sản xuất trái cây sạch nhằm đưa sản phẩm có thế mạnh ra thị trường, từng bước xây dựng thành thương hiệu đặc trưng của địa phương./.

Lê Thư, Thiên Thanh,  Duy Linh


Lượt xem: 11

Trả lời