Nông dân bị thiệt hại do tiêu chết, khó lại càng khó

Cập nhật 18/12/2019, 15:12:04

Câu chuyện tiêu chết, nông dân mất đi nguồn thu nhập, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần…đã được đề cập rất nhiều trong 2 năm qua. Câu chuyện tuy không mới, nhưng chúng ta không thể không tiếp tục nói khi mà hiện nay nhiều nông dân đang phải đối diện với nguy cơ mất đất.

Mấy tháng nay, nhiều nông dân ở huyện Chư Prông đang rất lo lắng khi phải đối diện nguy cơ bị ngân hàng thu hồi, phát mại tài sản thế chấp do không có khả năng trả nợ. Như vậy, trong trường hợp đất sản xuất không còn, cuộc sống của bà con sẽ ra sao khi tư liệu sản xuất không còn? Chúng ta cùng nghe tâm tư của những người trong cuộc:

Mấy tháng nay ông Võ Tình ở Thôn 3, xã Ia Pia, huyện Chư Prông rất lo lắng khi nhận được thông báo của Phòng Giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện về việc thu hồi để xử lý tài sản mà gia đình ông đã thế chấp để vay vốn đầu tư chăm sóc tiêu nhưng không có khả năng để trả nợ.

Được biết, trước đây ông Tình đã thế chấp 4,5 ha đất rẫy và 3 sào đất ở để vay 1,1 tỷ đồng với lãi suất mỗi tháng gần 12 triệu đồng. Do tình trạng mưa lớn kéo dài năm 2018, 4 ngàn trụ tiêu của gia đình ông Tình đã bị chết, từ đó gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần.

Hiện tại chỉ còn một mình ông Tình ở nhà, còn vợ và các con ông đang phải mưu sinh ở TP.HCM.

 Ông Tình cho biết: “Khó khăn trước mắt đã đành nhưng lâu dài thì chưa biết tính thế nào vì gia đình vay ngân hàng nông nghiệp hơn 1 tỷ đồng, từ năm ngoái đến nay tiêu chết không có tiền trả lãi. Ngân hàng bảo tôi là viết giấy ủy quyền cho ngân hàng, tôi không biết là để làm gì nên viết giấy. Vừa rồi ngân hàng đưa người đến bảo tôi là ký giấy sang nhượng nhưng tôi không ký và bảo tôi nếu không trả tiền thì sẽ phát mãi tài sản đã thế chấp. Cuộc sống hiện tại đã khó khăn, giờ mà ngân hàng lấy đất thì không biết làm sao nữa, lấy gì mà sống”.

Tương tự như vậy, ông Nguyễn Đức Hoa cũng đứng ngồi không yên khi ngân hàng thông báo sẽ thu hồi xử lý tài sản gia đình ông đã thế chấp. Gia đình ông Hoa vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT 400 triệu đồng để đầu tư vào 2 ha tiêu. Cũng như nhiều hộ nông dân khác, chẳng may tiêu chết do điều kiện thời tiết mưa kéo dài năm 2018, gia đình ông Hoa cũng không có khả năng để trả nợ.

Mặc dù thời gian qua ông Hoa cũng đã xoay sở đủ mọi cách, trồng cây này, cây khác để thay thế cây tiêu với mong muốn từng bước khắc phục khó khăn, ổn định lại cuộc sống. Thế nhưng kết quả không như mong muốn.

Ông Nguyễn Đức Hoa – Làng Tu 1, xã Ia Ga, huyện Chư Prông, Gia Lai cũng cho biết: “Gia đình cũng xoay sở, tìm đủ mọi cách để khắc phục thiệt hại do tiêu chết. Vừa rồi có trồng ít bí, nhưng đến khi thu hoạch thì lại không bán được, giá lại quá rẻ, không ai mua, vứt lăn lóc ra đấy.Vừa rồi ngân hàng thông báo không có tiền trả ngân hàng thì họ  sẽ lấy đất. Bà con nông dân sống nhờ vào đất đai mà giờ ngân hàng lấy nữa thì bà con lấy gì mà sống”.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ mà người dân toàn tỉnh vay trồng tiêu là trên 4.300 tỉ đồng với hơn 26.000 hộ vay, trong đó có khoảng 2.200 tỉ là nợ xấu. Để có cơ sở hỗ trợ cho nhân dân, UBND tỉnh đã đề nghị với Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét để có cơ chế, chính sách khoanh nợ, giãn nợ hoặc xóa nợ cho người dân. Tuy nhiên, theo quy định lượng mưa năm 2018 trên địa bàn tỉnh không đạt mức được công nhận là thiên tai để làm cơ sở hỗ trợ. Mặc dù vậy, tỉnh Gia Lai vẫn tiếp tục có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai công nhận tình trạng mưa kéo dài năm 2018 gây thiệt hại hàng ngàn hecta hồ tiêu là loại hình thiên tai khác, tuy nhiên vẫn không được công nhận. Việc không được công nhận sẽ dẫn đến không có cơ sở để áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, điều này khiến cho cuộc sống người dân sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Trong khi vẫn chưa có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn thì nhiều nông dân đang phải đối diện với nguy cơ mất đất khi ngân hàng thu hồi, xử lý tài sản đã thế chấp. Đất đai là tư liệu sản xuất, tạo ra thu nhập cho nông dân, vậy trong trường hợp tư liệu sản xuất không còn, cuộc sống của họ sẽ như thế nào qua khi không gì để bám víu?

Hồng Uyên-  R’Piên – Minh Trí


Lượt xem: 76

Trả lời