Nỗ lực thực hiện các tiêu chí gặp khó trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật 01/3/2024, 10:03:48

Theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai thì việc xây dựng NTM tại các địa phương đòi hỏi mức chuẩn cao hơn giai đoạn 2016-2020, đảm bảo xây dựng NTM phải thực chất và không còn tình trạng nợ tiêu chí. Tuy nhiên, với đặc thù của một tỉnh có hơn 46% dân số là đồng bào DTTS, việc xây dựng NTM đòi hỏi các xã phải xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tiễn và lộ trình cụ thể để thực hiện đạt yêu cầu, nhất là đối với nhiều tiêu chí các địa phương đang gặp khó.

Triển khai xây dựng NTM, nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí về môi trường là khó thực hiện ở những làng DTTS như làng Jro Ktu Đak Yang (1 trong 5 làng đặc biệt khó khăn của xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ). Tuy nhiên, với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước thông qua nhiều chương trình, dự án cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động để bà con nhận thức và thay đổi thói quen, chủ động tham gia công tác bảo vệ môi trường; đến nay, nhiều hộ dân ở làng Jro Ktu Đak Yang đã tự đầu tư xây dựng công trình vệ sinh theo chuẩn (gồm: nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt) để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Cùng với đó, nhiều hộ khó khăn ở làng cũng đã được hỗ trợ xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn, đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống; giúp làng thực hiện đạt tiêu chí số 17 về môi trường và đang nỗ lực trong xây dựng làng đạt chuẩn NTM.

Chị Đinh Thị Sách – Làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ nói: “Tiền thì 40 triệu. Lúc trước chưa có nhà tắm, nhà vệ sinh thì khó khăn hơn. Bây giờ có nhà tắm, nhà vệ sinh thì đỡ hơn; mưa gió thì không sợ.”

Chị Đinh Thị Đan – Làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ chia sẻ: “Vệ sinh rất là an toàn. Hồi chưa có bồn thì mấy đứa nhỏ nó xả nước tùm lum, giờ thấy đỡ hơn. Người ta kêu làm, nhà nào cũng có nhà vệ sinh, có bồn. Người ta kêu làm thì mình làm theo.”

Để đảm bảo đời sống người dân được nâng cao khi thực hiện xây dựng NTM, vấn đề tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cũng đang đặt ra không ít khó khăn đối với các xã. Từ thực tế này, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các địa phương của tỉnh Gia Lai chú trọng thực hiện và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là lao động người DTTS có cơ hội tự tạo việc làm cho bản thân hoặc tìm kiếm việc làm mới, nâng cao thu nhập; từ đó góp phần thực hiện các tiêu chí về nâng cao thu nhập và giảm hộ nghèo.

Ông Lưu Quốc Bảo Trung – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang trao đổi: “Mình phải đào tạo làm sao mà đảm bảo yêu cầu việc làm cho người dân ở địa phương, nhằm mục đích là sau khi học là người dân sẽ có việc làm. Đối với việc làm thì nghề phi nông nghiệp, đặc biệt là nghề xây dựng, nghề hàn là có việc làm gần như 100%; còn về các nghề nông nghiệp thì cũng luôn luôn đáp ứng sự mong mỏi của bà con.”

Đến năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai 99/182 xã đạt tiêu chí số 10 về Thu nhập; 101/182 xã đạt tiêu chí số 11 về Nghèo đa chiều và 96/182 xã đạt tiêu chí số 17 về Môi trường. Đây là 03 trong tổng số 19 tiêu chí NTM mà tỉnh Gia Lai đang đạt tỷ lệ thấp nhất. Với Bộ tiêu chí NTM của giai đoạn 2021-2025 tăng thêm nhiều chỉ tiêu thành phần, đồng thời cũng quy định mức độ đạt chuẩn cao hơn nên đòi hỏi các địa phương cần phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng đạt chuẩn và duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí, để xây dựng NTM thực sự bền vững.

Mỹ Tiến – Duy Linh


Lượt xem: 15

Trả lời