Nỗ lực thay đổi tập quán chăn nuôi của bà con DTTS

Cập nhật 02/4/2022, 08:04:35

Theo số liêu thống kê, trong vài năm trở lại đây, tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh liên tục tăng nhưng diện tích chăn thả ngày càng bị thu hẹp. Trước tình hình này, nhiều địa phương trong tỉnh đã nỗ lực tuyên tuyên truyền, vận động người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số thay đổi hình thức chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt; tiếp tục duy trì và phát triển tổng đàn, đưa chăn nuôi phát triển thành một trong những thế mạnh kinh tế của địa phương. Phóng sự được thực hiện tại xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, nơi mà phong trào nuôi bò đang có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều hộ dân cũng đã khá lên nhờ nuôi bò.

Trước đây, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa là một trong những địa phương thuần nông, chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi qui mô nhỏ. Những năm gần đây, người dân trong xã đã chú trọng đến việc nuôi bò, hộ ít thì vài ba con, hộ nhiều cũng đến mấy chục con.

Trong 10 năm gần đây, nhờ vào việc nuôi bò, gia đình bà Nay H’Nhit, ở Buôn Hiao, xã Chư Băh đã mua được 4 sào ruộng, sắm xe máy, xe công nông, máy cày, xây công trình phụ và trang bị nhiều vật dụng thiết yếu khác cho gia đình cũng nhờ thu nhập từ nuôi bò. Mấy năm trước, bà và 13 hộ nuôi bò trong Buôn Hiao đã cùng nhau liên kết lại để đổi công, phân lịch thay nhau chăn thả bò, tiết kiệm được khá nhiều công lao động. Nhưng giờ tuổi đã lớn, đi lại khó khăn, bà muốn tiếp tục nuôi bò nhưng nhận ra với cách chăn nuôi như lâu nay là không còn phù hợp.

Bà Nay H’Nhit, Buôn Hiao, xã Chư Băh, TX Ayun Pa nói:  “Tôi là thành viên trong nhóm chăn nuôi bò, từ khi tham gia nhóm nuôi bò này, các hộ thay nhau đi chăn thả. Một tuần 3 ngày, thời gian còn lại đi làm nương làm rẫy để có thu nhập thêm cho gia đình. Hiện giờ nơi chăn thả bò rất khó, bởi đất dành trồng mía, trồng mì hết rồi.  Mùa này, các thành viên trong nhóm nhốt bò ở nhà và đi lấy cỏ, đọt mía về cho bò ăn. Thuận lợi là gia đình đi làm, kết hợp cắt cỏ về cho bò ăn. Mong xã tập huấn kỹ thuật để bà con biết chế biến thức ăn để vỗ béo, phòng dịch bệnh và nhất là tìm nơi để bán bò cho được giá.”

Bà Nay H’Ner, Buôn Hiao, xã Chư Băh, TX Ayun Pa, Gia Lai cũng nói: “Nhà tôi nuôi bò lâu lắm rồi, từ khi tôi mới lấy chồng. Trước đây có chỗ chăn bò nên nuôi nhiều, có tiền cho các con ăn học. Một đứa học ra trường đi làm việc rồi, đứa còn lại đang học. Từ nuôi bò, gia đình mua được máy tuốt lúa, máy cày, máy xới… Nói chung vật dụng trong nhà mua được là nhờ bò hết.”

Theo thống kê, trong tổng số hơn 970 hộ dân toàn xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa hiện có 350 hộ tham gia nuôi bò với hơn 1.700 con. Mới đây, xã đã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi gồm 40 hộ thành viên với kinh nghiệm và hiệu quả chăn nuôi lâu nay. Đây là hình thức nuôi bò sinh sản xoay vòng, nghĩa là sau khi đẻ, bò mẹ sẽ được chuyển cho hộ khác chăn nuôi, cứ thế luân chuyển cho đến hết chu kỳ sinh sản của bò. Mục đích cách làm này nhằm giúp cho những hộ khó khăn có con giống và kỹ thuật để chăn nuôi, từng bước ổn định cuộc sống.

Ông Lê Hữu Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, Gia Lai cho biết:  “Năm 2018 có 14 hộ với hơn 80 con bò đã liên kết lại mang tính tự phát để đổi công chăn thả bò. Xuất phát từ ý tưởng đó, xã đã đưa nội dung này vào nghị quyết, giao cho Hội nông dân thành lập tổ hợp tác, sau đó là thành lập nông hội. Mục đích là chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, tiến tới chăn nuôi bền vững trong đièu kiện diện tích chăn thả bị thu hẹp,  nâng cao chất lượng con bò, nâng cao kinh nghiệm cho tổ hợp tác, làm cơ sở để thành lập  Hợ tác xã đa dịch vụ”.

Phương án nuôi nhốt dưới sự tư vấn hỗ trợ của tổ hợp tác, của cán bộ chuyên môn đang được xã Chư Băh triển khai khẩn trương, nhằm giúp bà con sớm thay đổi tập quán chăn nuôi cho phù hợp với điều kiện hiện tại, nhất là trong bối cảnh đồng cỏ bị thu hẹp do diện tích các loại cây trồng phát triển mạnh như hiện nay. Hơn nữa, đây cũng là hình thức chăn nuôi phù hợp với tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, và đang được bà con nhiều nơi học hỏi, áp dụng./.

Minh Thanh – Minh Vũ


Lượt xem: 12

Trả lời