Niềm vui từ những ngôi làng Nông thôn mới

Cập nhật 24/8/2022, 08:08:01

Về với nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai hôm nay không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh của những ngôi làng Nông thôn mới khang trang, sạch đẹp. Có được kết quả đó là nhờ những chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Nhà nước; đặc biệt là sự đổi thay trong chính nếp nghĩ, cách làm; nỗ lực của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Sau khi được bố trí về nơi ở mới, định cư lâu dài tại làng Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện với gia đình chị Đinh Thị Mét thì cái được lớn nhất không phải là có một ngôi nhà sàn mới kiên cố, mà là vợ chồng chị đã có một tư duy mới, biết cách làm, có thu nhập từ chính sức lao động của mình. Con bò giống được MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện cấp nay đã cho lứa bê thứ 2; không còn cảnh lo ăn từng bữa, vợ chồng chị Mét còn có tiền tích luỹ để nuôi 3 đứa con đến trường.

Chị Đinh Thị Mét, Làng Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện nói: “Nay nhà mình đã có bò, có rẫy mì để làm. Vợ chồng cố gắng làm ăn, ngoài nuôi bò, trồng mì còn đi làm đổi công, làm thuê để kiếm thêm tiền tích lũy. Nói chung, cuộc sống đã đỡ vất vả hơn trước rất nhiều!”.

Không còn suy nghĩ “trời sinh voi, sinh cỏ”; trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước như trước đây nữa; dưới sự định hướng, tuyên truyền của chính quyền địa phương, trong làng, người dân ai nấy cũng siêng năng lao động. Một số hủ tục lạc hậu trước đây như: ma chay, cưới hỏi uống rượu dài ngày nay bà con đã bỏ; vệ sinh môi trường cũng tốt hơn trước rất nhiều.

Được sự đầu tư của Nhà nước, 100% hộ của 4 làng: Pông, King Pêng, Trớ và Hek, xã Chư A Thai đều có điện chiếu sáng; có đường bê tông hoá;  Nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của bà con nhân dân. Diện mạo nông thôn nơi đây đã thực sự khởi sắc.

Ông Kpă Tô Na, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện cho biết: “Hệ thống chính trị ở xã tích cực vận động bà con cố gắng làm ăn để thoát nghèo. Nhiều hộ trước đây làm mì thôi, từ khi hiểu về kĩ thuật canh tác, bữa nay đã làm lúa, bắp, đậu mì…, thu nhập kinh tế khá hơn. Nhìn chung thì các gia đình đã có sự thay đổi rất nhiều, nhà cửa kiên cố”.

Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, nhiều địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã có sự thay đổi nhiều mặt. Cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện và khang trang. Các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đã phát huy hiệu quả. Bà con dân tộc thiểu số đã biết cách quy hoạch vườn rẫy sao cho cây cối phát triển tốt nhất; đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi để tăng nguồn thu nhập hàng năm trong gia đình. Nhờ đó, đời sống dần được ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo.

Anh Siu Thân, Làng Blôm, xã Kim Tân, huyện Ia Pa chia sẻ: “Không có đất ở nhờ nhà người khác được nhà nước chuyển về nơi ở mới có đất cất nhà, chiều ngang được hơn 11m, dài 26m. Bản thân  rất mừng, hơn cả mừng luôn. Nhà nước cũng cấp bò, nay bò cũng đã lớn rồi mình rất là mừng”.

Ông Lê Hữu Hưng, Chủ tịch UBND xã Kim Tân, huyện Ia Pa. Cho biết: “Xã Kim Tân thì làng Blôm được chọn đạt chuẩn Làng nông thôn mới vào năm 2022. Làng được di dời theo phương án thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến thời điểm này là cơ bản hoàn thiện. Tuy vậy, đời sống của người dân vẫn còn khó khăn. Chúng tôi tập trung nhấn mạnh vào công tác tuyên truyền vận động nhân dân mục đích để người dân tự ý thức vươn lên.Bởi nguồn lực hỗ trợ thì có hạn, mà người dân không ý thức, phát huy hiệu quả thì không thể thực hiện được các tiêu chí đề ra”.

Để những ngôi làng Nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tính bền vững cao. Chính quyền các địa phương tỉnh Gia Lai xác định: Cùng với việc hỗ trợ, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tạo việc làm cho người dân thì việc giúp người dân thay đổi tư duy, khơi dậy nội lực, sức mạnh cộng đồng để vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững  là giải pháp trọng tâm, góp phần cụ thể hoá những mục tiêu xuyên suốt từ ý Đảng đến lòng dân, giúp những ngôi làng Nông thôn mới ở Gia Lai ngày càng khởi sắc, gắn với không gian văn hoá ngàn đời của người Tây Nguyên../.

 Kim Ngân, Mạnh Hà


Lượt xem: 32

Trả lời