Niềm tự hào của nhân dân Gia Lai về Anh hùng Núp

Cập nhật 27/4/2024, 10:04:37

Cách đây tròn 110 năm, Anh hùng Đinh Núp đã ra đời tại xã Nam, huyện An Khê; nay là làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Cuộc đời, sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Anh hùng Núp là biểu tượng sáng ngời về ý chí kiên cường, buất khuất và sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc. Gia Lai – vùng đất giàu truyền thống cách mạng thật vinh dự khi là nơi sinh ra người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên – Anh hùng Núp. Nhân Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Anh hùng Núp, THGL xin giới thiệu phóng sự về tình cảm, niềm tự hào của người dân Gia Lai đối với người Anh hùng Đinh Núp huyền thoại.

Tự hào mang tên vị anh hùng dân tộc Đinh Núp, thời gian qua thầy và trò của ngôi trường này đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác dạy và học. Với trên 80% học sinh là người dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn; nhưng Trường TH Anh hùng Núp tại phường Thắng Lợi, TP. Pleiku đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Đặc biệt, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Hằng năm mừng kỷ niệm Ngày sinh Anh hùng Núp cũng là dịp để tập thể giáo viên và học sinh cùng nhau ôn lại những chiến công hiển hách, tinh thần chiến đấu bất khuất của vị anh hùng dân tộc mà trường vinh dự được mang tên.

Cô giáo Hoàng Thị Kim Ngân – Hiệu trưởng Trường TH Anh hùng Núp, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku bày tỏ: “Trường chúng tôi vô cùng tự hào khi được mang tên Anh hùng Núp, thời gian qua, giáo viên đã tuyên truyền nhiều buổi để học sinh biết được những đóng góp to lớn của Anh hùng Núp, thông qua các hoạt động ngoại khóa, giai điệu cồng chiêng; chúng tôi cũng mang những giai điệu về Anh hùng Núp để giúp các em học sinh tự hào về ngôi trường mà mình mang tên…”

Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, biểu tượng Anh hùng Núp đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong cuộc sống đến các tác phẩm văn học nghệ thuật. Đặc biệt ông đã trở thành tấm gương sáng chói về lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần yêu nước bền bỉ và ý chí đấu tranh kiên cường, không ngại gian khó để cùng dành hòa bình, tự do cho quê hương. Nhắc đến Anh hùng Núp, trong trái tim của các dân tộc Tây Nguyên lại trỗi dậy những câu chuyện hào hùng về cuộc đời, sự nghiệp của ông. Để từ đó trở thành chất liệu, nguồn cảm hứng và động lực trong học tập, lao động và sản xuất.

Chị Đặng Thị Mỹ Lệ – Xã Ia Yok, huyện Ia Grai chia sẻ: “Với bản thân tôi rất tự hào và vinh dự khi thể hiện sự cảm phục, kính trọng của mình về Anh hùng Núp – một biểu tượng tuyệt vời của người dân Gia Lai. Người dân Gia Lai luôn noi theo tấm gương để học tập, lao động…”

Hôm nay về với làng làng Sơtơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang – nơi chôn nhau cắt rốn của Anh hùng Núp thấy được sự đổi thay rõ rệt trong phát triển kinh tế – xã hội. Người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi. Mùa màng bội thu, nhà cửa khang trang là một trong những minh chứng cho về sự tiếp nối truyền thống cách mạng, vươn lên xây dựng cuộc sống mới văn minh, ổn định.

Anh Đinh Sưm – Làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang tự hào nói: “Bản thân rất tự hào khi ra và lớn lên ở quê hương anh hung Nup, nên luôn nỗ lực, cố gắng làm ăn phát triển kinh tế.”

Để tưởng nhớ Anh hùng Núp, người con ưu tú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho các thế hệ mai sau, tỉnh Gia Lai đã xây dựng nhiều công trình nhà lưu niệm, các hạng mục trưng bày để giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp đầu tranh cách mạng bất khuất của Anh hùng Núp. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tiếp nối truyền thống cách mạng, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển và giàu mạnh./.

Nhóm PV


Lượt xem: 2

Trả lời