Những sản vật của Gia Lai – Sứ giả vùng Bắc Tây Nguyên

Cập nhật 20/12/2018, 13:12:33

Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Gia Lai khá phù hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi và từ cách chế biến rất riêng của người dân địa phương nên đã tạo nên những sản phẩm đặc trưng của mảnh đất này, trong đó có những sản vật được xem là sứ giả của vùng Bắc Tây Nguyên. Với những giá trị vốn có của nông sản và sự hỗ trợ của địa phương nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu để nhiều người dân, du khách trong và ngoài nước biết đến góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như tăng thu nhập cho người sản xuất.

Ở Gia Lai, cơm lam – gà nướng là món ăn đặc trưng của người Jrai. Nguyên liệu chính của món ăn này chỉ đơn giản là gà nướng nhưng bà con nuôi thả tự nhiên nên thịt gà thơm, dai hơn. Gà được tẩm ướp sẽ được kẹp trong một thanh tre, nứa và cắm xung quanh than hồng, chỉ bằng hơi than nên sẽ chín từ từ và đậm vị. Gà nướng được ăn cùng với cơm lam. Loại cơm được nấu trong ống nứa non bằng gạo nếp nương, hạt to, vị thơm ngọt. Hai món này đi kèm món chấm là muối lá é.

Anh Siu Tiến – Đầu bếp Quán Gà nướng Nghệ nhân Ksor Hnao TP.Pleiku Gia Lai cho biết: “Mình chọn gà tầm 1kg2 đến 1kg3 và nướng trong vòng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng thì gà nó mới ngon được. Gà này nó khác ở chỗ là mùi nó thơm hơn, ngon hơn, đặc trưng hơn. Nước ướp thì chỉ đơn giản là chanh, sả, tiêu và một số gia vị khác.”

Không chỉ cơm lam – gà nướng mà sản phẩm chuối rừng Ia Kreng, huyện Chư Pah cũng được biết đến là một trong những nông sản đặc biệt của tỉnh Gia Lai bởi hương vị thơm ngon đặc trưng. Chuối rừng phát triển tự nhiên, không cần đầu tư chăm sóc và cho trái quanh năm nên đã góp phần đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho nhiều hộ dân. Để tiếp tục phát triển sản phẩm, địa phương đã có những chương trình hỗ trợ chế biến nhằm nâng cao chất lượng chuối rừng, nhất là vào mùa mưa.

Ông Phạm Thanh Xuân – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng, huyện Chư Pah chia sẻ: “Khi đưa sản phẩm này để chế biến, xây dựng thương hiệu sẽ mở ra một hướng đi mới đối với địa phương, tạo thu nhập, tạo công ăn việc làm cho bà con nhằm thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới.”

Với mảnh đất Gia Lai, thiên nhiên khá ưu đãi bởi nơi đây là xứ sở của các loại công nghiệp, nhiều loại cây, hoa màu khác cũng phân bổ ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh nên thích hợp để phát triển nghề nuôi ong. Mật ong Gia Lai vinh dự là 1 trong top 10 sản phẩm làm quà của Việt Nam với vị ngọt thanh, màu vàng sậm, độ kết dính cao và không bị kết tinh. Với những nền tảng sẵn có, người nuôi ong đang hướng đến việc tổ chức các cơ sở nuôi ong thành một hệ thống, đồng thời có những thay đổi về kỹ thuật nuôi nhằm cải thiện con giống, áp dụng quy trình phòng – trị bệnh, bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn mật ong xuất khẩu ra thế giới.

Ông Phạm Tiến Định, Thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah tâm sự: “Người nuôi ong đi vào quy trình khai thác mật ong sạch để bảo đảm xuất khẩu. Chúng tôi ở đây là những hội viên của hợp tác xã ong mật Ia Grai, làm mật ong sạch và chủ yếu là khai thác mật ong sạch, chủ yếu là khai thác mật cà phê.”

Những sản phẩm ẩm thực, văn hóa được kết tinh từ lâu đời với đặc thù về vùng đất con người Gia Lai và những sản phẩm mang tính chất lợi thế có lợi thế cạnh tranh ngày càng được nâng cao giá trị từ khâu sản xuất, chế biến đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Để nâng tầm cho những cây, con chủ lực, Sở Khoa học và Công nghệ đang xây dựng 45 sản phẩm thành đặc sản với việc bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…Với những chương trình được triển khai sẽ mở ra một cơ hội mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết: “UBND tỉnh giao cho chúng tôi xác định đây là những sản phẩm chủ lực cần có những chính sách để phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Trong thời gian vừa qua, tỉnh đã giao cho tỉnh tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch, tất cả các cấp, các ngành vào cuộc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chủ lực của tỉnh. Về phía Ngành Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì nhiệm vụ này. Chúng tôi đang phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ đang đẩy mạnh việc này.”

Thúy Diện-Duy Linh.


Lượt xem: 234

Trả lời