Những nghệ nhân nhiệt huyết với văn hóa truyền thống dân tộc

Cập nhật 13/7/2023, 07:07:05

Những nghệ nhân nhiệt huyết làng Pyang, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro và làng Groi Wet, xã Glar, huyện Đăk Đoa đang tiếp tục giữ lửa, truyền đam mê văn hóa cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên cho giới trẻ. Đặc biệt, 2 nghệ nhân ưu tú Đinh Keo và Alip đã có nhiều đóng góp và tiếp thêm sức sống cho văn hóa Tây Nguyên…

Vốn nặng lòng với văn hóa dân tộc từ khi còn là chàng thanh niên, ban đầu đi theo những người giỏi để học đánh chiêng, chỉnh chiêng, tình yêu dành cho cồng chiêng cứ lớn dần theo năm tháng. Đến khi có đôi tai thẩm âm tốt, nghệ nhân Đinh Keo đã tự sáng tác những giai điệu chiêng cho đến những vũ điệu mô phỏng theo lối diễn xướng Brêm của người Bahnar và truyền dạy cho lớp trẻ trong làng trình diễn tại nhiều sự kiện văn hóa của huyện, tỉnh…

Với trách nhiệm và bằng tài năng của mình, nghệ nhân Đinh Keo đã truyền dạy cho hàng trăm học trò ở các loại hình: Chỉnh chiêng, tạc tượng, múa truyền thống, hát dân ca… Nhờ những người tâm huyết như ông, làng Pyang đã trở thành một điểm sáng trong bảo tồn văn hóa truyền thống ở huyện Kông Chro… Năm 2019, nghệ nhân Đinh Keo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian… Đây là phần thưởng xứng đáng ghi nhận những đóng góp của ông cho văn hóa truyền thống dân tộc…

Nghệ nhân Đinh Keo, làng Pyang, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, Gia Lai chia sẻ: “Tôi rất vui vì được Nhà nước ghi nhận. Bây giờ tôi có dự định dạy chỉnh chiêng cho một số người trong làng, để các thế hệ sau giữ được truyền thống văn hóa của ông bà để lại.”

Nằm ngay trung tâm làng Groi Wet, căn nhà nhỏ của nghệ nhân Alip như một bảo tàng nhỏ. Ở đây, có nhiều nhạc cụ dân tộc được ông chế tác và trưng bày, có những bộ chiêng quý có tuổi đời từ rất lâu được gia đình ông gìn giữ, nâng niu. Mỗi ngày, ông thường mang chiêng ra lau chùi, bảo quản cẩn thận như một tài sản lớn, mà nếu làm mất đi, không có gì có thể thay thế được. Có những bộ chiêng ông được thừa kế từ đời trước, có cả những bộ chiêng được ông sưu tầm, mua lại bằng tiền tích lũy của gia đình. Giờ đây đều là tài sản vô giá để ông mang đi chuyền dạy cho lớp trẻ, và mang đi trình diễn tại các lễ hội, sự kiện văn hóa trên cả nước…

Nghệ nhân Alip, làng Groi Wet, xã Glar, Đăk Đoa, Gia Lai cho biết: “Chiêng này bây giờ không phải ai cũng có. Mình được ông bà, cha mẹ để lại cho nên mỗi ngày đều phải cất giữ cẩn thận. Mình dùng chiêng để dạy cho lớp trẻ, thế hệ đi sau để ai cũng biết đánh cồng, đánh chiêng. Dạy nhiều lớp lắm, ở đâu mời là mình sẽ đến để dạy cho học sinh, thanh niên.”

Với quyết tâm của mình, nghệ nhân Alip đã gây dựng và tìm lại niềm yêu thích cho lớp trẻ thông qua những buổi truyền dạy đánh cồng chiêng, chơi đàn T’rưng, Gong Kní. Được sự hỗ trợ từ các dự án, chương trình của Nhà nước đầu tư cho phát triển, gìn giữ văn hóa truyền thống, ông vận động thanh niên, học sinh học đánh chiêng. Đến nay, làng Groi có 2 đội chiêng, đội chiêng lớn gồm 21 người, từ 23 tuổi đến 70 tuổi. Đội chiêng nhí gồm 20 người, từ 6 tuổi đến 12 tuổi. Nghệ nhân Alíp còn phối hợp đi dạy chiêng cho học sinh tại nhiều xã trong và ngoài huyện. Tính đến nay, ông đã dạy được cho hàng trăm người biết đánh chiêng trên địa bàn xã Glar và các xã lân cận như Ia Pêt, Adơk, huyện Đăk Đoa…

Em Uyết, làng Groi Wet, xã Glar, Đăk Đoa, Gia Lai bày tỏ: “Em ngày trước cũng không biết đánh chiêng nhưng học và biết đánh cũng được 3-4 năm nay rồi. Vừa biết đánh cũng vui, mình cũng đi biểu diễn với bók Alip nữa. Cảm ơn Bók đã dạy cho mình biết đánh chiêng.”

Với những đóng góp của mình, năm 2011, nghệ nhân Alip được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cấp Bằng chứng nhận là nghệ nhân chỉnh chiêng, tạc tượng. Tháng 3/2019, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian./.

Song Nguyễn – Minh Lý – Ksor Tuối – Mạnh Hà


Lượt xem: 7

Trả lời