Những kết quả nổi bật trong công tác xóa đói giảm nghèo ở khu vực Tây Nguyên

Cập nhật 15/7/2017, 14:07:03

Thông qua các chương trình, chính sách đầu tư của nhà nước, đến nay kinh tế Tây Nguyên đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc đã đạt bước tiến triển mới; hơn một nửa số thôn làng từ nghèo đói đã đạt mức sống trung bình và khá, nhiều hộ gia đình đã giàu có, trở thành mô hình sáng về phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Góp phần tạo sự chuyển biến tích cực của khu vực Tây Nguyên trong những năm qua phải kể đến vai trò của Ban chỉ đạo Tây Nguyên trong việc phối hợp cùng các Bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội. Ban Chỉ đạo cũng tích cực, chủ động trong việc nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo tại chỗ…

Về thăm lại nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hôm nay, cảm nhận về sự đổi thay ngày càng rõ rệt. Những ngôi làng với những căn nhà mọc lên san sát, liền kề được xây dựng khá kiên cố, vững chắc. Đường làng ngõ xóm được quy hoạch, sạch sẽ, các công trình phúc lợi dân sinh, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân…tất cả đã góp phần tạo nên một diện mạo mới, một sức sống mới với nhiều sự hứa hẹn về một cuộc sống ấm no đang hiện hữu.

Kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, điều kiện phục vụ phát triển kinh tế tốt hơn đã mang đến cho người dân nhiều cơ hội để cải thiện chất lượng cuộc sống. Thay vì trước đây chỉ quen với lối du canh, du cư, trồng lúa một vụ và cây ngắn ngày năng suất thấp, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…thì nay nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được hình thành trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Không những biết đưa các giống cây con năng suất cao vào sản xuất, bà con còn mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập gia đình.

Anh Y Dơm, xã KonGang, huyện Đăk Đoa cho biết: “Trước năm 2011 cuộc sống của bà con vất vả, đi làm thuê làm mướn cũng không đủ ăn. Bây giờ thì khá hơn. Về sản xuất bà con trồng canh tác cà phê, tiêu, cuộc sống cũng đỡ hơn trước kia”.

Ông Siu Khít, xXã Ia Sol, huyện Phú Thiện cũng nói: “Nhờ vay được vốn của chương trình hộ nghèo nên gia đình tôi đã mua được con bò sinh sản. Sau 3 năm bây giờ đã sinh được 3 con. Ngoài ra làm thêm lúa nước và mì nên thu nhập cũng khá hơn, có tiền để trả lại cho ngân hàng. Cảm ơn Đảng – Nhà nước đã quan tâm để cuộc sống bà con ngày càng đỡ vất vả hơn”.

Để thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, những năm qua cùng với nguồn vốn đầu tư của nhà nước, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội trong vùng. Trung bình mỗi năm Tây Nguyên huy động được 650 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân. Nhờ đó công tác xóa đói giảm nghèo ở khu vực Tây Nguyên đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, giai đoạn 2001-2005, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,83% xuống còn 8,67%, bình quân giảm 2,6%/năm theo chuẩn 2000. Giai đoạn 2006-2010, giảm từ 22,85% xuống còn 10,34%, bình quân giảm 3,16%/năm theo chuẩn năm 2005. Riêng vùng dân tộc thiểu số từ 47,8% năm 2006 xuống còn 19,9% hiện nay, cơ bản giải quyết tình trạng thiếu đói. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng theo chuẩn nghèo của Chính phủ trong cả giai đoạn giảm bình quân 2,8%/năm. Gia Lai cũng là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Tính đến cuối năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16,55%, giảm 3,16% so với 2015.

Ông KPă Đô, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết: “Việc đầu tư các chương trình, chính sách cho đồng bào DTTS cả nước nói chung và đồng bào DTTS ở tỉnh Gia Lai trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS của tỉnh. Cơ sở hạ tầng ở các xã ĐBKK được đặc biệt quan tâm, đến nay giao thông đi lại thuận tiện giúp cho việc lưu thông trao đổi hàng hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong vùng”.

Mặc dù công tác xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn Tây Nguyên ngày càng khởi sắc. Song hiện tại tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Đây thật sự là nỗi trăn trở lớn nhất trong công tác xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên hiện nay. Giải quyết bài toán này, cùng với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Nhà nước, một trong những giải pháp đang được các tỉnh Tây Nguyên tích cực thực hiện là đẩy mạnh công tác thu hút nguồn lực đầu tư thông qua việc kêu gọi các dự án phát triển kinh tế – xã hội, quyết tâm xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc; đời sống văn hóa, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng cao; bảo đảm an sinh xã hội; sớm đưa nông thôn Tây Nguyên thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, tiến tới phát triển bền vững.

Hồng Uyên – Lê Thư-  Thanh Sáng-Đặng Trà


Lượt xem: 320

Trả lời