Nhọc nhằn nghề cô nuôi dạy trẻ

Cập nhật 07/12/2018, 09:12:36

Nghề giáo vốn đã nhiều vất vả. Và dường như xã hội hiện đại ngày nay càng đặt ra nhiều áp lực hơn đối với những người gắn bó với công việc ươm chữ trồng người, nhất là những giáo viên mầm non. Câu chuyện sau đây hi vọng giúp quý vị hiểu hơn để có sự đồng cảm với những cô nuôi dạy trẻ, từ đó có sự chia sẻ trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng những mầm non tương lai của đất nước.

Những hình ảnh tưởng là điều hiếm thấy (như trong ảnh) nhưng lại là điều hết sức bình thường ở các cơ sở giáo dục mầm non. Mặc dù không có quy định về giới tính nhưng có lẽ do đặc thù của công việc nên giáo viên mầm non ở Gia Lai hết thảy đều là nữ. Mọi việc đều phải tự thân vận động. Từ bưng bê, khiêng vác, leo trèo, đến những công việc của thợ mộc, thợ sắt, thợ xây, chỉ cần là trong khuôn viên nhà trường và hỗ trợ nhiệm vụ dạy học, các cô đều không nề hà. Không biết thì làm rồi biết, làm dần rồi quen, người trước chỉ dạy người sau, điều quan tâm duy nhất của các cô là trẻ sẽ vui hơn, học tốt hơn từ những đồ dùng, đồ chơi do các cô giáo tự tay làm ra.

Cô giáo Hoàng Thị Hải Ngà, Trường mẫu giáo Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai cho biết: “Nói chung GV mầm non chúng tôi, ngoài giờ lên lớp ra thì thường xuyên làm đồ dùng đồ chơi vì đáp ứng yêu cầu học và chơi của trẻ.  GV nhất thiết là phải làm vì nếu đi mua thì chúng tôi không có đủ kinh phí.  Các cháu rất thích, các cháu hứng thú đi học đều hơn. Các cô cũng yên tâm hơn vì vận động được học sinh tốt hơn”.

Đúng như lời bài hát “Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”, không chỉ là dạy mà còn phải dỗ, trẻ lứa tuổi này như những mầm non luôn cần phải uốn nắn, chăm sóc từng li từng tí. Điều này đòi hỏi người giáo viên ở bậc học này, ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có đức tính cẩn thận, kiên trì và chịu khó, nhất là trong xã hội ngày nay, mỗi đứa trẻ được xem là tài sản vô giá của mỗi gia đình.
Cô giáo Trần Thị Thu Thuỷ , Trường mầm non Hoa Hồng, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: “Đối với bé mới ra lớp thì còn nhiều bỡ ngỡ. Vì từ môi trường ở nhà, bé chưa quen với giờ giấc sinh hoạt ở trường, bé còn nhỏ chưa thể tự phục vụ nên phải lo cho bé từ miếng ăn đến giấc ngủ, bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ dạy theo chương trình mầm non. Cảm thấy những vất vả đó nhưng là GV mới ra trường, với lòng nhiệt huyết năng động, linh hoạt nên cảm thấy những khó khăn đó không là gì cả”.

Chính tấm lòng yêu nghề, mến trẻ như thế đã giúp cho các cô giáo mầm non cất giấu đi nỗi nhọc nhằn đằng sau những nụ cười và gương mặt tươi vui để làm tròn vai “cô nuôi dạy trẻ”. Nhiều gia đình trẻ ví von rằng nuôi con là cả một “cuộc chiến”. Nếu vậy thì áp lực từ những “cuộc chiến” ấy đã cộng dồn trong công việc hàng ngày của các cô giáo mầm non. Và nếu không nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ phía phụ huynh, áp lực ấy lại càng chất chồng. Ở vùng thuận lợi đã như vậy, giáo viên mầm non ở vùng khó khăn lại càng vất vả hơn.
Cô giáo Lê Hùng Bình, GV Trường mẫu giáo Hoa Pơ Lang, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông  chia sẻ: “Ở đây xa trung tâm nên cô cố gắng tạo phong trào văn hóa, văn nghệ như một trung tâm nhỏ để các cháu hoạt động. Rằm tháng 8 cô tổ chức nhiều tiết mục văn nghệ để các cháu biểu diễn như ngoài trung tâm. Như ngày hội ngày lễ cô tiết kiệm tiền riêng để may trang phục cho các cháu biểu diễn hay tận dụng các vật dụng, 2 hộp sữa làm thành cái trống cơm để các cháu tham gia các hoạt động như ở trung tâm”.

“Trẻ em như búp trên cành”, để những búp non ấy mai sau hé nở và toả hương cho đời thì không thể thiếu những bàn tay cần mẫn và những giọt mồ hôi từ sự tận tâm chăm bón, vun trồng của các cô giáo mầm non hôm nay./.

Hoà Giang, Viễn Khánh


Lượt xem: 120

Trả lời