Nhớ ngày 17/03 năm ấy

Cập nhật 17/3/2019, 14:03:38

Cách đây đúng tròn 44 năm, chớp thời cơ quân địch thất thủ tại Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, cùng với các lực lượng chủ lực, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã nổi dậy tấn công, truy kích, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn II của địch, tiến tới giải phóng Gia Lai vào ngày 17/3/1975, tạo đà để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua song thời khắc lịch sử ấy luôn đọng mãi trong tâm trí của những người lính từng tham gia trên mặt trận giải phóng Gia Lai.

Trong những ngày tháng 3 lịch sử này, những người lính của Đại đội 70, Tiểu đoàn Đặc công 408 của Tỉnh đội Gia Lai lúc bấy giờ lại tổ chức gặp gỡ để cùng nhau ôn lại một thời gian khổ và nhớ về thời khắc lịch sử giải phóng tỉnh Gia Lai. Được giao nhiệm vụ đánh hậu cứ, luồn sâu đánh địch, các chiến sĩ của Đại đội 70 luôn mưu trí, dũng cảm và sẵn sàng nhận hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đánh phá các đồn, bốt để phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt, làm tổn hao sinh lực địch. Sau khi thất bại ở Buôn Ma Thuột và trước khí thế nhất tề đứng lên của quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai, quân địch đã buộc phải tháo chạy khỏi Pleiku và rút quân khỏi Gia Lai. Là những người trực tiếp chỉ huy việc trinh sát và tiếp quản thị xã Pleiku, ông Chu Quang Tùy – Nguyên Đại đội trưởng Đại đội 70 và ông Triệu La Phương – nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đoàn 3, Đại đội 70 không thể nào quên và diễn tả được cảm xúc của mình khi chứng kiến thời khắc lá cờ giải phóng bay phất phới ở tòa hành chính của địch.

Ông Chu Quang Tùy – Nguyên Đại đội trưởng Đại đội 70, Tiểu đoàn đặc công 408 bồi hồi nhớ lại: “Vào lúc 16h ngày 16/3 thì chúng tôi tiếp cận được vào thị xã thì tiến vào tòa hành chính thì thấy cờ ngụy vẫn còn bay trên cột cờ thì tôi trực tiếp chỉ huy, giao nhiệm vụ cho đồng chí Hùng – Trung đội trưởng chỉ huy 1 đồng chí chiến sĩ là đồng chí Phương làm nhiệm vụ kéo cờ xuống và đưa cờ giải phóng lên”.

Ông Triệu La Phương – Nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đoàn 3, Đại đội 70, Tiểu đoàn đặc công 408  kể lại: “Khi được Trung đội trưởng trực tiếp giao nhiệm vụ trèo lên thay lá cờ của ngụy xuống để đưa cờ của giải phóng mình lên thì cảm nghĩ của tôi đến bây giờ thì vẫn còn rất phấn khởi và rất tự hào là người trực tiếp cắm lá cờ đầu tiên giải phóng thị xã Pleiku”.

Ông Chu Quang Tùy – Nguyên Đại đội trưởng Đại đội 70, Tiểu đoàn đặc công 408 chia sẻ thêm: “Cảm xúc của chúng tôi lúc đó rất sung sướng; bao năm gian khổ, ác liệt chiến tranh như vậy mà bây giờ được chỉ huy và được kéo lá cờ của địch xuống đưa cờ giải phóng của mình lên, đó là niềm hạnh phúc rất lớn, không có gì tả được; và tôi đã tin tưởng rằng ta đã giải phóng được Tây Nguyên thì nhất định sẽ giải phóng được hoàn toàn miền Nam”.

Sau bao năm chiến tranh gian khổ, ác liệt, khi nghe tin Gia Lai được giải phóng đồng bào các dân tộc trong tỉnh vui mừng khôn xiết. Hừng hực khí thế trong niềm vui chiến thắng, quân và dân các tộc tỉnh Gia Lai từ thành thị đến nông thôn cùng vùng lên truy kích tàn quân địch rút lui về đồng bằng.

Ông Đinh H’Ngớp, Làng Mơ H’Ven, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai xúc động nhớ lại: “Cả dân làng, dân quân du kích chúng tôi đều rất phấn khởi, rất mừng; sau đó là chúng tôi tập trung dân quân, du kích xuống dưới đường 19 chặn địch từ Kon Tum, Gia Lai xuống về Quy Nhơn thì chặn đánh ở Đồi Chè làm chết 13 tên và thu vũ khí là 5 khẩu súng”.

44 năm sau ngày giải phóng, Gia Lai đã có sự vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ. Hạ tầng kinh tế – xã hội có bước phát triển vượt bậc; bộ mặt, đời sống của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn đã có nhiều đổi thay đáng mừng. Là người trực tiếp tham gia chiến đấu ở ở mặt trận Gia Lai từ năm 1947 và nay về sinh sống ở thị xã Ayun Pa, ông Trịnh Văn Cư (sinh năm 1930) chứng kiến sự đổi thay từng  ngày của mảnh đất Gia Lai.

Ông Trịnh Văn Cư, Phường Đoàn kết, thị xã Ayun Pa, Gia Lai cho biết: “Sau ngày giải phóng Ayun Pa nói riêng và Gia Lai nói chung rất là điêu tàn, đời sống nhân dân vô cùng đói khổ nhưng đến nay phải nói là cái đói là hết rồi mà chỉ còn một số ít gia đình nghèo; nhà cửa thì rất là khang trang; điện thì tới tất cả các làng đồng bào dân tộc thiểu số; đường thì bê tông hóa gần như toàn bộ”.

Anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng để cùng chung tay xây dựng Gia Lai ngày càng giàu đẹp và đi lên cùng tiến trình đổi mới của quê hương, đất nước./.

 Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 173

Trả lời