Nhịp sống mới nơi những thôn làng sau những lao đao của cây hồ tiêu

Cập nhật 27/1/2022, 10:01:18

Hơn ai hết, nông dân trồng tiêu ở tỉnh Gia Lai là những người đã cảm nhận rất rõ hậu quả để lại của biến cố năm 2016 khi giá hồ tiêu giảm sâu, ngàn ha hồ tiêu bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm, từ đó đã đẩy nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Sau những tổn thất nặng nề về cây hồ tiêu, thật đáng mừng là ba năm trở lại đây, chính quyền địa phương và người dân ở nhiều vùng trồng tiêu trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, từng bước thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, khôi phục lại kinh tế gia đình. .
Đáng ghi nhận là các mô hình cây con mới còn được nhân rộng ở nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó giúp bà con ổn định lại cuộc sống sau những thất bại của cây tiêu.

Như nhiều hộ dân khác ở làng Tung Neng, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, 6 năm trở về trước, nguồn thu nhập chính của gia đình anh Siu Ơr là từ cây hồ tiêu. Sau thất bại của cây hồ tiêu, vượt qua những khó khăn trong một hai năm đầu, anh Siu Ơr quyết định đầu tư vào chăn nuôi heo sinh sản để bán con giống. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, từ chỗ ban đầu chỉ có 4 con heo giống đến nay anh Siu Ơr đã phát triển tổng đàn lên đến hàng chục con. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, anh Siu Ơr còn thu lãi trên dưới 50 triệu đồng.

Anh Siu Ơr, Làng Tung Neng, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Cách đây hai năm mới nuôi. Lần đầu nuôi thì chỉ nuôi 4 con nhưng sau đó thấy có hiệu quả nên đã để giống và phối được 9 con. Đợt sau là được 16 con. Nếu tính ra mỗi năm cũng được 30- 40 triệu.  Nếu có điều kiện sẽ làm thêm heo nái.///Giờ dịch bệnh không làm thêm cũng không được”.

Tương tự như hộ anh Siu Ơr, sau khi tiêu chết, hộ của chị KPuih Hky ở làng Tao KLăh, xã Ia Ròng, huyện Chư Pưh cũng đầu tư sang nuôi dê. Từ chỗ ban đầu chỉ nuôi thử nghiệm 2 con, nhưng sau năm đầu tiên thấy khá hiệu quả lại dễ nuôi nên chị Hky đã từ từ nhân đàn và đến nay đã có tổng cộng 20 con với mức thu lãi bình quân mỗi năm từ 60- 70 triệu đồng.

Chị KPuih Hky, Làng Tao KLăh, xã Ia Ròng, huyện Chư Pưh, Gia Lai cũng nói: “Sau khi tiêu chết, nhà mình chuyển sang nuôi dê vì thấy cũng dễ nuôi mà cũng lãi nữa, không mất nhiều thời gian của mình. Cứ mỗi con dê mỗi năm đẻ thêm khoảng 2 con nữa, mỗi con bê bán cũng được mấy triệu, chỉ tốn công nuôi, cắt cỏ để làm thức ăn chứ đầu tư không nhiều. Trong làng mình bây giờ nhiều nhà nhờ nuôi dê mà khá lên”.

Ngoài phát triển chăn nuôi thì huyện Chư Pưh còn rất thành công khi chuyển đổi cả ngàn diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả. Theo thống kê, tại huyện Chư Pưh có hơn 1.700 ha hồ tiêu bị chết do dịch bệnh. Đến nay, đã có trên 1.500 ha cây ăn trái được chuyển đổi từ diện tích tiêu này.Các loại cây ăn trái chủ lực của huyện đều có chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người dân với hợp tác xã và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Long Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Chư Pưh cho biết: “Về hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện trong những năm qua khá thành công, nhất là cây ăn quả. Hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều mô hình cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho nông dân. Để đảm bảo ổn định đầu ra cũng như giá cả, huyện đã xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất vầ tiêu thụ sản phẩm. So với cây tiêu trước đây thì hiệu quả kinh tế mang lại của cây ăn trái cũng không kém gì. Thời gian tới huyện vẫn tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết trong phát triển cây ăn quả”.

Với một quyết tâm mạnh mẽ cùng sự định hướng phù hợp, chính quyền và Nhân dân huyện Chư Pưh đang vực dậy kinh tế trên vùng đất từng được coi là thủ phủ cây hồ tiêu và nhịp sống mới đã được hồi sinh nơi các thôn làng sau những lao đao của cây hồ tiêu.

 Hồng Uyên, Viễn Khánh


Lượt xem: 24

Trả lời