Nhiều vấn đề người dân quan tâm, kiến nghị về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Cập nhật 22/2/2023, 07:02:35

Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân nhằm hoàn thiện thêm một bước trước khi được sửa đổi ban hành. Qua tìm hiểu, người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng có nhiều kiến nghị liên quan đến những vấn đề trọng tâm mà dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến Nhân dân.

Tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 45% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar. Dù trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã giành nhiều sự quan tâm, đầu tư song so với mặt bằng chung thì đời sống của bà con dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Một phần nguyên nhân là do thiếu đất ở và đất sản xuất. Nắm bắt được thông tin về một trong chín nhóm vấn đề trọng tâm mà dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến Nhân dân lần này có các chính sách về đất ở, đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số, bà con mong muốn sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng vùng miền và tiếp tục quan tâm bỗ trí đất ở, đất sản xuất giúp bà con ổn định và nâng cao cuộc sống.

Ông Nay Khúy – Bôn Jứ, xã Ia Broái, huyện Ia Pa nói: “Mình xem ti vi thì nghe nói lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì có nội dung hỗ trợ đất đai, đất sản xuất cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tôi cũng mong Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm bố trí, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho bà con để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế”.

Bà Rcom H’Guach, Tổ 6, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa cũng mong muốn: “Tổ 6 chúng tôi thì có 66 hộ mà 32 hộ có đất sản xuất và có 28 hộ thì thiếu đất thì cũng kính mong cấp trên quan tâm nhiều hơn đến bà con về đất ở, đất sản xuất để người dân yên tâm lao động, sản xuất”.

Một vấn đề trọng tâm khác cũng được đề cập khi triển khai lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là liên quan đến việc giao đất cho các nông, lâm trường quản lý. Đối với tỉnh Gia Lai tổng diện tích đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp là trên 723.000 ha. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 21 ban quản lý rừng và 11 công ty TNHH MTV lâm nghiệp được giao quản lý gần 430.000 ha rừng, đất rừng. Tuy nhiên, công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sửa dụng đất cho các đơn vị gặp nhiều vướng mắc dẫn đến việc phân định ranh giới giữa đất rừng và đất canh tác nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn. Qua triển khai lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đơn vị chủ rừng cũng kiến nghị có những điều chỉnh, tạo thuận lợi trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường.

Ông Vũ Văn Thảo, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Tul, huyện Ia Pa cho biết: “Hiện nay đối với diện tích do đơn vị quản lý thì chưa có giấy chứng nhận quyền sửa dụng đất. Qua đây thì tôi cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm cấp kinh phí để phục vụ cho cho đo đếm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cắm các mốc phân định giữa đất nông nghiệp của người dân và đất của đơn vị nhằm phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển rừng bền vững của đơn vị”.

Được biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều; bãi bỏ 8 điều. Thông qua các kiến nghị, Nhân dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai mong muốn các cấp, ngành chức năng tiếp thu, tổng hợp để có những điều chỉnh cho phù hợp, hoàn thiện dự thảo trước khi trình cấp có thẩm quyền ký ban hành./.

Đức Hải, Phi Long


Lượt xem: 21

Trả lời