Nhiều trở ngại nếu thực hiện dạy học 2 buổi trong ngày

Cập nhật 19/3/2017, 05:03:16

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện dạy học 2 buổi/ngày cho các Trường THPT và Trung học cơ sở, vừa qua Sở GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện việc này.

 Tuy nhiên, ngay từ khi chưa bắt đầu, nhiều trường đã dự báo công tác này sẽ gặp không ít trở ngại. Phóng sự sau được thực hiện tại huyện Chư Sê sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn về những trở ngại này.

Ngay sau khi nhận được công văn hướng dẫn của Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê đã triển khai đến cho các trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện căn cứ điều kiện thực tiễn của từng trường để rà soát và lập kế hoạch tiến hành dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có trường nào đăng ký thực hiện.

Ông Ngô Xuân Hiếu, Trưởng phòng GD – ĐT huyện Chư Sê cho biết:  “Dù Phòng đã triển khai đến các trường, tuy nhiên, qua khảo sát ở một số trường thì có 2 vấn đề trở ngại chính mà các trường không mạnh dạn đăng ký là điều kiện cơ sở vật chất của nhiều trường chưa đủ để đáp ứng dạy học 2 buổi/ ngày; thứ 2 là vấn đề vận động phụ huynh đóng góp để chi trả tiền tăng giờ cho giáo viên là rất khó….”

Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Huỳnh Thúc Kháng, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê sắp tới sẽ chuyển về ngôi trường mới khang trang hơn, đầy đủ cơ sở vật chất hơn, và có thể đáp ứng được yêu cầu dạy học 2 buổi/ ngày cho học sinh. Tuy nhiên, đây lại là ngôi trường có đến gần 90% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế của phần lớn gia đình các em gặp nhiều khó khăn. Vậy nên, ở đây việc duy trì 1 buổi/ngày đã là nhiệm vụ không hề dễ dàng, chứ chưa nói đến việc vận động đóng góp của phụ huynh học sinh để chi trả tiền tăng giờ cho giáo viên.

Thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường TH – THCS Huỳnh Thúc Kháng, xã Chư Pơng, Chư Sê, Gia Lai cũng cho biết:“Chủ trương dạy học 2 buổi/ ngày là rất hợp lý. Tuy nhiên, cần phải có cách nào đó để chi trả tiền tăng giờ cho giáo viên, chứ vận động nguồn xã hội hóa là rất khó bởi ở đây các gia đình đều rất khó khăn, các em phải 1 buổi học 1 buổi phụ bố mẹ làm kinh tế rồi…”

Còn với ngôi trường này, thì biên chế đến 16 lớp nhưng chỉ có 10 phòng học. Vì vậy, nhà trường phải bổ trí học trái buổi cho học sinh ở 4 khối lớp khác nhau. Nếu sắp tới phải triển khai dạy học 2 buổi/ ngày theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cơ sở vật chất sẽ không thể đáp ứng được, dù chủ trương này được nhiều giáo viên đồng tình ủng hộ.

Thầy Trương Văn Cường, Trường THCS Nguyễn Khuyến, TT.Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này, bởi nó sẽ góp phần nâng cao chất lượng học sinh trong nhà trường. Tuy nhiên, ở trường chúng tôi không có đủ phòng học để dạy học 2 buổi/ngày cho các em. Nếu muốn triển khai thì chúng tôi cần phải có thêm ít nhất 3 phòng dư nữa thì mới dạy được…”

Thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày nhằm quản lí và giáo dục tốt hơn học sinh, hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm không đúng quy định là một chủ trương đúng đắn của Bộ GD – ĐT. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước mắt cần phải có những biện pháp, cũng như lộ trình cụ thể trong việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học và giải quyết tốt các chế độ chính sách có liên quan cho giáo viên trong quá trình dạy thêm giờ để họ có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo đúng chủ trương đã đề ra./.

Quốc Linh,  Ksor Tuối


Lượt xem: 68

Trả lời