Nhiều nông dân lo lắng khi bước vào vụ Mùa 2020 thời tiết không thuận lợi

Cập nhật 18/5/2020, 08:05:53

Tình trạng nắng nóng kéo dài không chỉ gây thiệt hại cho cây trồng ở vụ Đông Xuân vừa rồi mà ngay cả vụ mùa này cũng đang bị ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng, thậm chí còn thiệt hại đối với một số loại cây trồng đã xuống giống. Điều này đang khiến cho nhiều nông dân cảm thấy lo lắng khi mùa vụ mới bắt đầu đã không được thuận lợi.

Hiện nay, hàng chục ngàn hecta mì vẫn đang chờ mưa để bắt đầu vụ mới… Như mọi năm thì thời điểm tháng 4 khi bắt đầu bước vào mùa mưa, bà con đã tập trung xuống giống mì, thế nhưng năm nay đến thời điểm này vẫn chưa thể trồng được vì chưa có mưa. Vì thế mà bà con đang lo lắng vụ năm mì năm nay sẽ không đạt như mong muốn.

Ông Nay Mai – Buôn Phu Ama Nhe 2, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, Gia Lai nói: “Bà con đang đợi có mưa xuống là trồng, hom giống chuẩn bị hết rồi mà chưa trồng được. Xuống giống muộn như vậy đến khi thu hoạch năng suất cũng không đạt cao, củ nhỏ vì không đủ thời gian chăm sóc, bón phân”.

Còn đối với cây lúa, chân ruộng nào gieo sạ sớm thì bà con phải kéo ống bơm đưa nước về ruộng đảm bảo đủ nước cho cây sinh trưởng, phát triển. Điển hình như  đám ruộng này của ông Nay Hul, cứ tầm 2-3 ngày ông phải bơm nước vào ruộng. Với điều kiện thời tiết như năm nay mưa muộn trong khi phải bơm nước về ruộng liên tục như vậy nên chi phí sẽ tăng cao hơn.

Ông Nay Hul – Buôn Phu Ma Miêng, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, Gia Lai  cũng nói: “Năm vừa rồi gặt sớm nên giờ gần hết lúa ăn rồi, phải gieo sớm để có lúa ăn. Thời tiết nắng nóng, không có mưa nên phải dùng máy bơm để đưa nước vào ruộng. Bơm vậy thì phải trả tiền điện nhiều, chứ nếu có mưa thì đỡ chi phí này”.

Mía cũng là một trong những loại cây trồng chính của các địa phương thuộc khu vực phía Đông Nam tỉnh Gia Lai. Hàng ngàn hecta mía được trồng từ tháng 11 và 12 năm ngoái hiện cũng đang trong tình trạng héo khô vì không đủ nước, ước tính tỷ lệ mất trắng cũng lên đến 60%, số còn lại nếu những ngày tới có mưa thì năng suất cũng giảm đáng kể.  Còn đối với diện tích mía lưu gốc cũng còi cọc, không phát triển được

Anh Đặng Bá Quốc – Thôn Quyết Thắng, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa, Gia Lai cho biết: “Bình thường thì thời điểm này  cây mía cũng được cả mét rồi, nhưng hiện tại chỉ được vậy thôi, không phát triển nổi. Nhiều đám cháy khô rồi, một ít mà giờ có mưa thì năng suất cũng không ăn thua. Mọi năm 1ha đạt 90 tấn, như thế này chắc 30-40 tấn là nhiều. Mấy năm nay giá mía xuống thấp, bà con làm không có lãi bao nhiêu, năm nay vầy nữa, chắc bỏ chứ làm gì”.

Bà Nguyễn Thị Tánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa, Gia Lai cũng nói: “Với tình hình thời tiết như năm nay, sản xuất của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay nhiều diện tích mía trồng mới tỷ lệ chết khô trên ruộng chiếm 60-70%. Mía, mì là những cây trồng chính của bà con nông dân ở đây, với chất đất ở đây cũng khó để chuyển đổi cây trồng khác nên khi thời tiết mà không thuận lợi thì sẽ không tránh khỏi những khó khăn”.

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, từ tháng 4 đến tháng 5 này, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục xuống và ở mức thấp, lưu lượng dòng chảy thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 15-70%, từ đó rất dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước. Trên cơ sở nhận định của cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo về việc tiếp triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ngành, địa phương và các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân.

Hồng Uyên, Minh Trung


Lượt xem: 87

Trả lời