Nhiều giải pháp quan trọng đề ra nhằm quản lý hoạt động xe công nông, máy kéo nhỏ

Cập nhật 01/7/2017, 08:07:08

 Vùng Tây Nguyên hiện có khoảng 145.000 xe công nông, máy kéo nhỏ đang hoạt động, tập trung nhiều tại các tỉnh: Đak Lak, Đak Nông và Gia Lai. Để quản lý tốt hơn đối với loại phương tiện này, tại Hội thảo mới đây bàn về công tác quản lý xe công nông, máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp tại Tây Nguyên do Sở Giao thông Vận tải Gia Lai phối hợp với Vụ An toàn giao thông ( Bộ Giao thông Vận tải); Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức, cùng với sự tham dự của lãnh đạo ngành giao thông vận tải 5 tỉnh Tây Nguyên thì nhiều giải pháp quan trọng đã được đưa ra. Trên cơ sở đó sẽ kiến nghị với các bộ ngành liên quan để có một quy chuẩn chung không chỉ trong công tác quản lý mà còn đảm bảo an toàn giao thông đối với phương tiện này mỗi khi lưu thông.

Các tham luận tại hội thảo đều cho rằng: Xe công nông, máy kéo nhỏ không đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép khi tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Song đây lại là loại phương tiện hết sức hữu hiệu phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp và phù hợp với địa hình đồi núi tại các tỉnh Tây Nguyên. Để quản lý tốt hơn đối với phương tiện xe công nông, máy kéo nhỏ, nhiều kiến nghị cho rằng cần phải có giải pháp hết sức cụ thể để khắc phục những bất cập hiện nay, đồng thời ban hành các văn bản quy phạm để thống nhất phương thức quản lý phương tiện trên toàn vùng Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Hữu Quế – GĐ Sở GTVT – Phó Ban Thường trực Ban ATGT Gia Lai nêu: “Việc quản lý xe công nông này có nhiều bất cập cần phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật để quản lý được đối tượng này. Thứ nhất về cấp biển số xe thì hiện có một khoảng trống không hề nhỏ để quy định cấp biển số cho loại phương tiện này. Thứ 2 là về tiêu chuẩn của phương tiện cũng không có. Vì vậy sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị với cơ quan trung ương sớm sửa đổi các văn bản quy phạm để tiến hành quản lý. Thứ 2 là chúng tôi trước mắt đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lái xe công nông nâng cao ý thức, am hiểu pháp luật để bảo vệ cho chính mình và người khác”.

Trung bình mỗi năm, tại khu vực Tây Nguyên xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện xe công nông, máy kéo nhỏ, trong đó có không ít vụ rất nghiêm trọng. Chính vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân thì mỗi địa phương cần nhanh chóng khắc phục những tồn tại hạn chế, lắp đặt thêm các thiết bị cần thiết để tăng mức độ an toàn đối với phương tiện này mỗi khi tham gia giao thông.

Ông Trịnh Hữu Kiệm – Trưởng phòng Quản lý phương tiện người lái Sở GTVT Đak Lak phát biểu: “Chúng tôi đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có tiêu chuẩn để các phương tiện này đủ điều kiện tham gia giao thông. Ngoài ra các phương tiện này khi tham gia giao thông vào ban đêm không có đèn, không có tín hiệu, cho nên trước mắt thì phải yêu cầu phải có chế tài bắt buộc đối với chủ phương tiện này lắp đặt đèn tín hiệu để các phương tiện khác khi tham gia giao thông nhận biết được để giảm thiểu những rủi ro khi tham gia giao thông”.

Cùng với các giải pháp kiến nghị, đề xuất, mỗi địa phương trong khu vực cần linh hoạt và có cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân được đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4. Đồng thời làm những đường gom, đường tránh để xe công nông, máy kéo nhỏ lưu thông, tránh đi ra các tuyến quốc lộ nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông…./.

Đoàn Bình – Thanh Sáng


Lượt xem: 230

Trả lời