Nhiều chuyển biến tích cực về thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Kbang

Cập nhật 16/12/2023, 08:12:46

Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn huyện Kbang đã xây dựng nhiều mô hình mới, cách làm hay. Qua đó, đã giúp cho bà con người dân tộc thiểu số ở địa phương chuyển biến tích cực trong tư duy, nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Từ mô hình này đã giúp cho đôi vợ chồng trẻ Đinh Thị Dăn và Đinh Văn  Đạt (ở làng Đăk Giang II, xã Đông, huyện Kbang) từ một hộ nghèo đã từng bước vươn lên thoát nghèo, có điều kiện cho con cái ăn học; vui mừng hơn là đầu năm ngoái, 2 vợ chồng đã tích góp xây dựng được ngôi nhà mới khang trang.

Chị Đinh Thị Dăn – Làng Đăk Giang II, xã Đông, huyện Kbang chia sẻ: “Được bố mẹ cho đất thì 2 vợ chồng cũng trồng chuối rồi chuyển 1 phần qua trồng mía rồi chăn nuôi bò và cũng đủ để trang trải cuộc sống. Năm 2022 thì cũng làm được ngôi nhà đây; cũng rất là mừng.”

Bà Phùng Thị My Ni – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông, huyện Kbang thông tin: “Trong thời gian qua thì Mặt trận xã đã tập trung triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” tại 8 làng trên địa bàn xã và được bà con và đặc biệt là các già làng quan tâm phối hợp để cùng vận động. Để đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động thì Mặt trận xã đã cho rà soát và thành lập nên nhiều mô hình và cho Ban công tác Mặt trận đăng ký thực hiện theo từng nội dung của 10 nếp nghĩ, 10 cách làm; từ đó xây dựng được một số mô hình có hiệu quả. Qua thực hiện Cuộc vận động thì tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số đã giảm khá nhiều và bà con đã có cuộc sống ổn định hơn.”

Huyện Kbang là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm gần 50% dân số. Trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc Bahnar trình độ nhận thức và kỹ thuật canh tác còn hạn chế nhất định dẫn đến đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Trên cơ sở tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” theo Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn huyện đã xây dựng được trên 100 mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng dân tộc thiểu số với sự tham gia của gần 2.700 hộ. Trong đó, chủ yếu là các mô hình trồng trọt, chăn nuôi  phù hợp với trình độ, tập quán canh tác của bà con để giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trên chính những loại cây trồng, vật nuôi chủ lực ở địa phương. Từ đó, bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kbang đã có bước chuyển từ nếp nghĩ đến cách làm trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Ông Đinh Văn Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang cho biết: “So với trước đây thì phải nói là bà con đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trong sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế, ổn định đời sống; thứ hai là trong phát triển kinh tế thì bà con đã có sự thay đổi về mặt nhận thức; tức là bà con đã biết áp dụng những cây giống, vật nuôi mà mang lại hiệu quả kinh tế cao để áp dụng vào sản xuất. Qua triển khai Cuộc vận động thì bà con đã hưởng ứng tích cực và kết quả cho đến thời điểm này thì trên địa bàn huyện có 103 mô hình.”

Nhờ thay đổi tư duy, nhận thức và nếp nghĩ, cách làm nên từng bước nâng cao đời sống của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kbang; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số đã giảm nhanh, bền vững qua từng năm. Nếu như năm 2021, toàn huyện Kbang còn gần 2.450 hộ nghèo người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 26,7% thì đến cuối năm 2023 đã giảm xuống còn gần 21%.

Đức Hải – Huy Toàn


Lượt xem: 24

Trả lời