Nhân rộng vai trò già làng, người uy tín

Cập nhật 30/11/2017, 16:11:21

“Đi dân nhớ, ở dân thương”, các già làng, người uy tín luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS. Họ được xem là cầu nối để chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với người dân; góp phần cho sự phát triển tươi mới ở các thôn, làng vùng sâu.

Đến từng gia đình trò chuyện, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, chia sẻ với mọi người những câu chuyện hay trong đời sống đã trở thành công việc thường xuyên của bà Nguyễn Thị Lệ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Ia Đao, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ. Bà đến nói cho mọi người nghe, bố mẹ phải cho con đi học; đừng bắt con gái, con trai lấy chồng, lấy vợ quá sớm có như vậy con em trong thôn, trong xã mới không khổ nữa. Gia đình phải biết ăn ở hợp vệ sinh, làm hố rác tại nhà, cải tạo vườn tạp trồng rau xanh; rồi góp công, góp tiền kéo điện thắp sáng đường quê…xây dựng thôn làng được đẹp hơn, khang trang hơn. Đây cũng chính là niềm vui của bà, của gia đình và của mỗi người dân trong thôn.

Bà Lệ  cho biết: “Mình nói được phải làm được thì bà con mới nghe và làm theo. Hiện nay, bà con ở đây rất là đoàn kết cùng giúp nhau phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Cuộc sống ngày càng tốt hơn…đó là điều tôi vui nhất”.

Năm nay 86 tuổi, Già làng Đinh Đi, làng Lợt, xã Nghĩa An, huyện Kbang được ví là cây Kơ Nia của núi rừng, pho sử sống của văn hóa Tây Nguyên. Ông dạy hát, đánh chiêng, múa xoang cho con cháu ở khắp các buôn làng, ông kể chuyện cho các em nghe  về vùng đất giàu bản sắc văn hóa.

Già làng Đinh Đi nói: “Tôi đánh chiêng đã hơn 60 năm, với thế hệ tôi thì đánh chiêng không có gì khó, nó là bản sắc dân tộc, nhưng tôi lo nhất là con cháu sau này khi mà tôi mất đi không biết nó làm được hay không, tôi phải chỉ lại cho nó phải theo mình gìn giữ bản sắc dân tộc đã lưu giữ từ xưa”.

     Giúp bà con xóa đói, giảm nghèo; xoa dịu mâu thuẫn trong các thôn, làng; thuyết phục người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu…là những công việc mà các già làng, người uy tín đang làm. Những việc mà họ làm không phải để được ghi nhận, được mọi người biết đến hay để được hưởng lương cao mà chỉ mong muốn cho cuộc sống của cộng đồng ngày một tốt hơn.

Bà Đinh Thị Giang, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đánh giá: “Những già làng, người uy tín là chiếc cầu nối để các chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống sâu rộng và cụ thể nhất, tổ chức, giúp nhân dân phát triển kinh tế, ngoài vấn đề đó là xây dựng khối đại đoàn kết ở cơ sở ngày càng bền chặt”.

Như cây cổ thụ, già làng Đinh Đi, và rất nhiều già làng, người uy tín ở Gia Lai nói rằng: Họ đã gắn bó, cống hiến trọn cuộc đời trên vùng đất này, giờ họ đã tuổi già, sức yếu nên mong rằng các thế hệ con cháu sẽ tiếp tục nối tiếp truyền thống để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới./.

 Kim Ngân, Đặng Trà,Viễn Khánh


Lượt xem: 51

Trả lời