Nhân rộng mô hình trồng rừng để giảm nghèo ở xã Lơ Pang

Cập nhật 13/10/2023, 12:10:19

Xác định xóa đói giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhiều giải pháp đã được xã Lơ Pang, huyện Mang Yang triển khai nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong đó xã chú trọng đa dạng hóa sinh kế, giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, từng bước giảm nghèo. Mô hình trồng rừng do Hội LHPN xã Lơ Pang triển khai là một ví dụ.

Đây là mô hình trồng rừng với diện tích 1,2 ha keo của hội viên chi hội phụ nữ làng Roh, xã Lơ Pang được triển khai từ tháng 7/2021. Mục đích triển khai mô hình nhằm gây quỹ cho hoạt động của chi hội phụ nữ và quan trọng là giúp hội viên phụ nữ ở làng Roh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích so với trồng cây mỳ trước đây. Ngoài hỗ trợ sinh kế trong chăn nuôi, việc phát huy hiệu quả những diện tích đất sản xuất nông nghiệp để trồng rừng được xem là hướng đi đúng, vừa góp phần làm giàu thêm tài nguyên rừng cũng như giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Chị Khanh – Làng Roh, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang nói: “Trước thì làm mỳ nhưng mỳ thì không đạt rồi cho nên làm cây này cho đạt hơn.”

Bà Neng – Chi hội trưởng phụ nữ làng Roh, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang nói: “Trồng mỳ cũng đã lâu năm rồi, đất nó cũng đã hơi bị không tốt. Giờ mình chuyển sang trồng rừng để sau này mình thu hoạch nhiều hơn trồng mỳ. Chuyển sang trồng rừng này chắc sẽ được phát triển hơn.”

Từ mô hình trồng rừng gây quỹ đầu tiên được triển khai tại làng Roh, đến năm 2022, mô hình đã được nhân rộng ra ở làng Hlim với diện tích 1,2 ha và làng Chup với diện tích 02 ha. Tiếp đó, trong năm 2023, mô hình được nhân rộng ở làng Chup với diện tích 1,7 ha trồng 4.000 cây bạch đàn. Mặc dù những diện tích rừng trồng của mô hình ở các làng chưa đến thời kỳ cho thu hoạch nhưng đang sinh trưởng, phát triển tốt. Nguồn thu từ mô hình trồng rừng này của phụ nữ ở các làng, một phần sẽ được sử dụng để chi cho các hoạt động chung của chi hội phụ nữ làng; ngoài ra sẽ hỗ trợ những hội viên khó khăn vay vốn không tính lãi để phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Bà Lê Thị Toàn – Chủ tịch Hội LHPN xã Lơ Pang, huyện Mang Yang trao đổi: “Đối với mô hình trồng rừng này thì bước đầu thay đổi nhận thức cho chị em về tính tập thể. Thì trong CVĐ “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS”, Hội LHPN xã sẽ thường xuyên nắm bắt những thông tin từ chị em hội viên để có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt thì gia đình nào cũng có diện tích trồng mỳ, mà trồng mỳ trước đây là cho năng suất cao nhưng hiện nay thì cho năng suất rất thấp; thì vận động chị em hội viên chuyển đổi từ diện tích trồng mỳ sang trồng rừng trong dân để giúp hội viên có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.”

Xã Lơ Pang, huyện Mang Yang có 1.218 hộ với 5.650 khẩu; trong đó 90% là đồng bào DTTS. Đến cuối năm 2022, toàn xã còn 340 hộ nghèo và 330 hộ cận nghèo. Có thể nói, việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất theo hình thức tập thể không những khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn giúp người dân nắm bắt kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Và những mô hình phát triển sinh kế như trồng rừng được triển khai thực hiện một cách kịp thời, thiết thực sẽ góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững ở xã Lơ Pang thời gian tới.

Mỹ Tiến – Duy Linh


Lượt xem: 9

Trả lời