Nhân rộng mô hình “Kho thóc tình thương”

Cập nhật 10/3/2024, 06:03:52

Với hiệu quả thiết thực trong việc cứu đói cũng như hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, mô hình “Kho thóc tình thương” đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mang Yang chú trọng nhân rộng và dần trở thành nét văn hóa đẹp về sự giúp đỡ lẫn nhau trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Những ngày này, vừa xong mùa gặt, chị em phụ nữ làng Pơ Nang, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang lại rủ nhau đi gom lúa để ủng hộ “Kho thóc tình thương” của làng. Bắt đầu từ năm 2018, làng Pơ Nang được chọn để triển khai mô hình điểm, với mục đích giúp đỡ các hộ khó khăn không cần trả lại, đáp ứng nhu cầu mượn lúa trong thời điểm giáp hạt. Từ chỗ biết để dành, chị em phụ nữ làng Pơ Nang nhận thấy rõ lợi ích của việc tích tiểu thành đại và hình thành thói quen tiết kiệm, luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau trong đời sống hàng ngày.

Bà Toa – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Pơ Nang, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang cho biết: “Chị em trong làng đều thấy rõ lợi ích từ việc đóng góp lúa để xây dựng quỹ và giúp đỡ nhau lúc khó khăn nên rất là nhiệt tình tham gia, sau mùa gặt là đóng góp lúa, thóc đầy đủ.”

Chỉ với 10 kg lúa/mỗi chị/năm, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, với những con số đáng tự hào. Đến nay, toàn xã Kon Thụp đã có 05 kho thóc, với gần 9,8 tấn lúa và đã giúp 74 hộ được mượn. Trong đó có 20 hộ đặc biệt khó khăn không phải trả lại. Không chỉ hỗ trợ lúa gạo trong mùa giáp hạt, “Kho thóc tình thương” còn tạo ra nguồn quỹ để giúp hội viên phụ nữ khó khăn phát triển kinh tế.

Bà HNhen – Chủ tịch Hội LHPN xã Kon Thụp, huyện Mang Yang cho biết: “Nhờ sự vận động quyên góp, chị em tham gia rất là tích cực, hiệu quả, đến thời điểm hiện tại mô hình Kho thóc tình thương đã được nhân rộng ra 5 chi hội với 5 kho thóc và sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.”

Đến nay, 8/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mang Yang đã có “Kho thóc tình thương” với 25 kho thóc, thu trên 42 tấn lúa. Không chỉ góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hình thành lối sống tiết kiệm, “Kho thóc tình thương” đang dần trở thành nét văn hóa đẹp giúp cộng đồng người Bahnar trên địa bàn huyện Mang Yang ngày càng thêm gắn kết hơn, đoàn kết cùng giúp nhau phát triển.

Trương Trang – Minh Trung


Lượt xem: 5

Trả lời