Nhà rông – Biểu tượng đại ngàn

Cập nhật 27/11/2019, 08:11:55

Nhà rông được ví như trái tim của mỗi ngôi làng Tây Nguyên và là biểu tượng sức mạnh của cộng đồng làng. Sau khi dựng xong, bà con cùng nhau tổ chức lễ cúng nhằm cảm tạ thần linh, cầu mong ban cho cuộc sống tốt lành. Mới đây, tại làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang, nghi lễ cúng mừng nhà rông mới đã được Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp với Trung tâm văn hóa thông tin & thể thao huyện Mang Yang tổ chức phục dựng.

Người Bahnar quan niệm, nhà rông là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết ở cộng đồng làng. Do đó, việc phục dựng nghi lễ cúng nhà rông mới của người Bahnar phải do các nghệ nhân lớn tuổi của làng  thực hiện. Lễ cúng phải có đầy đủ vật phẩm, bao gồm: Một ghè rượu, một con heo, một con dê, một con gà, một bó lá Hreh (mây) và bó lá Pơ ngăm (lá rừng).

Đúng giờ cúng chính, 3 vị già làng lấy nước trong ghè rượu cúng vẩy lên cây nêu và cùng đọc lời khấn Yàng. Khi thực hiện nghi lễ, già làng khấn thần linh ban cho dân làng mạnh khỏe, bình yên và có những mùa vụ tốt tươi. Sau khi đọc lời khấn, già làng lấy huyết của 3 con vật trộn với rượu, dùng bó lá mây nhúng vào đem quét vào tất cả cột, cầu thang  nhà rông để cầu bình an…

Lời khấn vừa dứt, một hồi trống vang lên và đội cồng chiêng của làng tấu bài cồng chiêng mừng nhà rông mới đi 3 vòng quanh cây nêu. Đồng thời các già làng làm các thủ tục thụ hưởng lễ vật. Già làng chính là người đầu tiên thụ hưởng lễ vật và sau đó mời khách và bà con dân làng cùng thưởng thức ẩm thực và giao lưu văn hóa.

Chứng kiến nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Bahnar bản địa được phục dựng sau hàng chục năm thất truyền, bà con ở các làng DTTS trên địa bàn xã Ayun rất phấn khởi…

Ông Đônh, làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai cho biết: “Làm nhà rông mới chúng tôi rất mừng, chúng tôi tham dự ở đây. Lễ cúng ở đây rất đúng phong tục trước đây: Cúng con gà, con dê, đánh cồng chiêng múa theo phong tục của chúng tôi”.

Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, Gia Lai cho biết: “Qua phục dựng nghi lễ này nhằm mục đích tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời góp phần quảng bá văn hóa bản sắc của người Bahnar tại địa phương. Chúng tôi cũng muốn qua đây cũng muốn quảng bá hình ảnh, góp phần phục vụ cho công tác phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới”.

Lễ phục dựng nhà rông mới là dịp để bà con trong làng nhắc nhở nhau cùng nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, để văn hóa, tín ngưỡng Bahnar nói riêng, Tây Nguyên nói chung vẫn luôn huyền bí, hấp dẫn trong lòng du khách 4 phương./.

 Nhóm Phóng viên


Lượt xem: 114

Trả lời