Nhà máy nhiệt điện sinh khối An Khê – một trong những thành công của chương trình kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai

Cập nhật 10/10/2016, 14:10:13

Năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo VN đến 2030, tầm nhìn đến 2050 và tháng 3.2016  Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia 2011-2020, tầm nhìn đến 2030. Trong đó xác định ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để phát triển điện năng. Đối với Gia Lai, không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn thủy năng dồi dào, tiềm năng phục vụ phát triển năng lượng điện tái tạo như: điện gió, điện sinh khối.. cũng được đánh giá khá phong phú. Hiện tại đã có hai dự án nhà máy điện sinh khối được đầu tư vào địa bàn, đó là Nhà máy nhiệt điện Ayun Pa đã hoàn thành đưa vào vận hành và Nhà máy nhiệt điện sinh khối An Khê đang được xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào giữa tháng 11.2016. Đây là một trong những thành công của chương trình kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai trong thời gian qua.

10-10-ankhe

Dự án nhà máy điện sinh khối An Khê do Công ty cổ phần mía đường Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với công suất 95MW và tổng vốn đầu tư là 1.900 tỷ đồng.  Nguyên liệu đốt là bã mía thừa được tận dụng sau khi ép đường. Thay vì trước đây mỗi năm nhà máy phải thải hàng trăm tấn bã mía sau khi ép đường, thì nay sẽ được tận dụng toàn bộ để làm nguyên liệu đốt tạo nguồn năng lượng cho nhà máy. Chính vì vậy đây được xem là công trình năng lượng sạch, an toàn và thân thiện với môi trường, đồng thời giải quyết được nhiều bài toán khác.

Ông Nguyễn Tấn Hữu, Trưởng phòng quản lý năng lượng, Sở Công Thương Gia Lai cho biết: “Việc đầu tư xây dựng nhà máy điện sinh khối An Khê theo quy hoạch điện 7 là chủ trương hết sức đúng. Trước hết, giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường vì là sinh khối An Khê sử dụng nhiên liệu đốt là bã mía; thứ hai là cung cấp lên lưới điện Quốc gia một lượng điện khá lớn khoảng 300 triệu KWh/năm; thứ ba là cân bằng được nguồn điện phụ tải khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai giáp với Bình Định. Do vậy, các ngành ở địa phương và UBND tỉnh hết sức ủng hộ dự án này trường”.

Quan trọng và thiết thực hơn nữa là việc xây dựng Nhà máy điện sinh khối An Khê còn giải quyết bài toán nâng cao thu nhập cho nông dân trồng mía, giúp bà con ở 4 huyện, thị phía Đông của tỉnh yên tâm gắn bó phát triển vùng nguyên liệu khi đầu ra cây mía ngày càng ổn định.

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Trưởng phòng Đầu tư nguyên liệu Nhà máy đường An Khê  cho biết: “Khi xây dựng thành công nhà máy nhiệt điện, tận dụng bã mía thừa sẽ góp phần giữ ổn định giá trị cây mía của 4 huyện phía Đông Gia Lai khi giá đường xuống thấp khi gia nhập WTO, bà con yên tâm phát triển cây mía”.

Nhà máy điện sinh khối An Khê hiện ở giai đoạn nước rút, công tác thi công, lắp đặt thiết bị đang được đơn vị thi công khẩn trương triển khai thực hiện, huy động tối đa nguồn lực, đồng thời tăng ca, đảm bảo thời gian thi công 24/24 giờ. Theo đánh giá của đơn vị thi công thì đây là công trình được đầu tư công nghệ hiện đại,

Ông Ngô Văn Thông, Giám đốc Dự án lắp đặt Nhà máy điện sinh khối An Khê nói về sự nỗ lực thi công công trình: “Hai tổ máy của nhà máy điện sinh khối, công nghệ lớn, thiết bị lại hiện đại mà thời gian thi công lại ngắn đúng vào mùa mưa nên chúng tôi phải cố gắng nỗ lực hết sức thì mới đạt được tiến độ đặt ra. Ưu điểm của công nghệ của nhà máy đốt bã này rất hiện đại, sử dụng triệt nguồn nhiệt sinh ra trong quá trình đốt, tận dụng được tối đa nên mang lại lợi nhuận lớn hơn với các công nghệ khác”.

Với tiềm năng rất lớn về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, trong chương trình kêu gọi xúc tiến đầu tư, Gia Lai tiếp tục ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ cao như dự án nhà máy điện sinh khối An Khê, qua đó góp phần chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Hồng Uyên, Thanh Sáng


Lượt xem: 2177

Trả lời