Người trồng cà phê ở huyện Chư Pah gặp khó khi đào giếng để lấy nước tưới

Cập nhật 06/3/2019, 13:03:30

Cùng với các tỉnh Tây Nguyên, nắng nóng kéo dài và tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới cho cây trồng đã bắt đầu xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tại huyện Chư Pah, với diện tích cà phê tương đối lớn, người trồng cà phê ở địa phương đã chủ động đào giếng và khoan giếng để lấy nước tưới. Tuy nhiên, việc này cũng gặp phải những khó khăn.

1,2 ha cà phê của gia đình anh Dzoa  ở làng Vân, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah đang trong thời kỳ sinh trưởng, phát triển nhưng vì không có nước tưới nên cũng bắt đầu có hiện tượng khô lá. Không có điều kiện khoan giếng nên gia đình tranh thủ nhân công của nhà để đào; tuy nhiên dù đã đào tới cái thứ 4 vẫn không có nước vì gặp đá dưới lòng đất.

Anh Dzoa cho biết: “Đào khoảng 8-9m thì có đá, gặp đá bàn. Giờ nhà điều kiện cũng khó khăn, không có tiền để khoan địa chất, chịu khó đào bằng tay giờ lại gặp trục trặc, gặp nhiều đá như thế này làm không được. Giờ cà phê sắp chết hết rồi”.

Ông Rơ Châm Phen – Trưởng thôn làng Vân, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah, Gia Lai cũng nói: “Năm nay nói chung là nước cũng thiếu, thiếu nước rất là trầm trọng mà bà con năm nay thì nạo vét kênh mương nước cũng không đủ.  Đào giếng mà không có nước để đào giếng luôn. Nếu mà giếng đào như thế này thì năm nay có nhà đủ, có nhà không đủ”.

Với những hộ có điều kiện hơn thì chọn giải pháp khoan giếng với hi vọng sẽ tìm được nguồn nước tưới cho cà phê đang bước vào đợt tưới thứ 3 cũng như những đợt sau. Theo người dân cho biết, mỗi giếng khoan như thế này thường sâu khoảng 80m và nếu tính cả công lẫn tiền điện thì chi phí lên tới cả trăm triệu đồng. Thế nhưng lo lắng của người dân hiện nay đó là vì gặp đá trong quá trình khoan giếng nên thời gian để hoàn thành một cái giếng  cũng kéo dài, trong khi nguồn nước tưới cho cây cà phê đang thiếu.

Anh Trần Trường Sinh – Làng Yô 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai nói: Khoan thế này thì cũng phụ thuộc và ăn may. Ví dụ trúng mạch thì có nước, nhiều khi khoan không trúng mạch thì cũng không có nước. Nói chung là cũng gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nước này là tương đối bị thiếu.

Toàn huyện Chư Pah hiện có 8.346 ha cà phê; trong đó 7.621 ha đang trong giai đoạn kinh doanh, 312 ha trồng tái canh và 10 ha trồng mới trong năm 2018. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết năm nay sẽ diễn biến khó lường, nắng nóng sẽ xảy ra trên diện rộng và nguồn nước tưới cho cây trồng theo đó cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Giải pháp đào giếng và khoan giếng để tưới cà phê mà người dân huyện Chư Pah đang triển khai về cơ bản chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài nếu thời tiết không có mưa, cà phê không có đủ nước tưới sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Người trồng cà phê đã khó khăn lại thêm chồng chất khó khăn./.

Mỹ Tiến,  Cao Duy


Lượt xem: 238

Trả lời