Người giữ lửa cồng chiêng làng Gran

Cập nhật 28/11/2017, 10:11:52

Làng Gran, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê  có 70 hộ người dân tộc Jrai, nhưng hiện lưu giữ đến 9 bộ cồng chiêng. Điều đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng nơi đây là vai trò của già làng và các nghệ nhân. Chính họ là những người tuyên truyền, vận động nhân dân biết trân trọng, tự hào, phát huy sức mạnh nội lực để gìn giữ giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Trong đó nghệ nhân Siu Khlơi – Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Gran là một trong những người đóng góp nhiều công sức cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng của làng.

 

 Nghệ nhân Siu Khlơi – người được bà con làng Gran, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê gọi với cái tên trìu mến “người giữ hồn chiêng của người Jrai”. Đã qua 67 mùa rẫy, đến giờ nghệ nhân Siu Khlơi là một trong số ít người trong làng còn biết chơi các bài chiêng cổ. Nói chuyện về cồng chiêng, mắt ông sáng lên niềm vui.

Nghệ nhân Siu Khlơi tâm sự: “Đánh chiêng là từ bố dạy cho tôi trước sau rồi mình tự học. Bây giờ mình dạy cho con cháu, để dân tộc không bỏ bản sắc. Cứ thấy người ta bán thì mình đổi bò lấy chiêng, phải giữ gìn cồng chiêng cho con cháu sau này”.

Từ nhỏ, ông đã đánh thành thạo các loại chiêng do người cha truyền dạy. Niềm đam mê với cồng chiêng như thấm đẫm trong hơi thở, hừng hực trong huyết quản, nâng đỡ tâm hồn ông cùng bao thế hệ người Jrai. Đối với ông, 2 bộ chiêng rạp và chiêng treo mà ông giữ gìn lâu nay đã trở thành tài sản quý giá nhất trong gia đình. Những lúc trong làng có người mừng nhà mới, lễ cưới hay lễ bỏ mả…, ông luôn sẵn sàng cho mọi người mượn để tiếng cồng chiêng lại ngân vang cả buôn làng.

Bên cạnh đó, lo lắng vì những giá trị truyền thống đang dần bị mai một, tranh thủ những lúc nông nhàn, Nghệ nhân Siu Khlơi lại tập hợp dân làng, cần mẫn truyền nghề.

Nghệ nhân Siu Khlơi cho biết thêm: “Mình phải dạy cho giới trẻ phải nhớ mãi mãi bản sắc của dân tộc mình, biết đánh cồng chiêng tại các lễ cúng. Các cháu rất thích. Mình hướng dẫn các cháu phải đánh đoạn nào trước, đoạn nào sau, cho các cháu hiểu”.

Ông Siu Krế, Bí thư Chi bộ làng Gran, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê đánh giá: “Ông Siu Khlơi sưu tập cồng chiêng là đam mê, ông còn là một người đảng viên gương mẫu trong làng, nên mọi người noi theo với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cứ thứ 7, Chủ nhật là các cháu học sinh tập trung ở hội trường, ông Khlơi dạy cho các cháu. Việc làm của ông mang ý nghĩa rất lớn”.

Những người như nghệ nhân Siu Khlơi đã và đang góp sức mình vào bảo tồn văn hóa cồng chiêng nhằm phục vụ đời sống tâm linh và đời sống văn hóa của người Jrai, để cồng chiêng Gia Lai nói riêng và cồng chiêng Tây Nguyên nói chung được lưu giữ, trao truyền giúp thế hệ mai sau luôn biết và nhớ đến một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

Nhâm Dung,  Minh Trung


Lượt xem: 224

Trả lời