Người đứng đầu cơ quan bị phạt nếu để nhân viên uống rượu, bia trong giờ làm việc

Cập nhật 14/11/2020, 16:11:08

Từ ngày 15/11, Nghị định 117/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 176/2013) của Chính phủ ban hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế chính thức có hiệu lực, trong đó có một phần về phòng chống tác hại của rượu, bia. Lần đầu tiên các vi phạm như ép buộc người khác uống rượu bia, uống rượu bia ngay trước, trong giờ và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập…sẽ bị phạt hành chính. Một điểm đáng chú ý, Nghị định lần này có quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, cụ thể là luật hóa hành vi uống rượu, bia trong giờ làm việc, tại nơi làm việc.

Điều 34 của Nghị định 117 đã quy định rõ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, Nghị định nêu rõ phạt tiền từ 3.000. 000 đến 5.000.000 đồng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu:

-Không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia trong cơ quan, tổ chức. 

-Không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức.

-Không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu bia trong địa điểm không được uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý điều hành.

Nghị định cũng nêu rõ  mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải không thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

Theo Luật gia Nguyễn Quang Quý, Nghị định 117 có rất nhiều điểm mới, việc mở rộng phạm vi xử phạt không chỉ tạo ra một thói quen văn minh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà còn thể hiện trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng chống tác hại rượu, bia.

Luật gia Nguyễn Quang Quý- Chi hội Luật gia Sở Tư pháp Gia Lai cho biết: “Nếu như trước đây Nghị định 176 về lĩnh vực phòng chống rượu bia chỉ quy định xử phạt đối với các hành vi của cán bộ làm công tác khám chữa bệnh thì phạm vi xử phạt của Nghị định 117 rộng hơn rất nhiều. Đây là quy định mới tất nhiên sẽ có những khó khăn, bỡ ngỡ trong quá trình thực thi. Luật đã quy định các hành vi vi phạm đều bị xử phạt vi phạm hành chính do đó tôi nghĩ rằng phải thay đổi tư duy về uống rượu bia trong toàn xã hội để thực thi quy định này. Đối với người đứng đầu cơ quan tổ chức được quy định trong Nghị định 117 sẽ bị xử lý với mức xử phạt 2 khung từ 3-5 triệu, từ 5-10 triệu. Đây là một quy định mới tôi nghĩ phải xây dựng văn hóa sử dụng rượu bia trong mỗi cơ quan, tổ chức bằng những quy định cụ thể trong quy định, quy chế của cơ quan, trách nhiệm người đứng đầu phải tuyên truyền để thực hiện nghiêm luật phòng chống tác hại rượu bia”.

Những mức xử phạt lần đầu tiên được đưa ra Luật hóa việc sử dụng rượu bia là cần thiết nhằm kéo giảm nguy cơ, giảm tác hại từ các loại đồ uống này lên nhiều mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, nếu không làm thường xuyên, triệt để, các hành vi vi phạm chắc chắn sẽ tái diễn và thậm chí không có tác dụng trong việc thay đổi hành vi, nhận thức của xã hội.

Luật gia Nguyễn Quang Quý – Chi hội Luật gia Sở Tư pháp Gia Lai cho biết thêm: “Để xác định được trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào là vi phạm đòi hỏi phải xây dựng cụ thể hóa trong nội quy, quy chế trong cơ quan để xác định được địa điểm nào là không được sử dụng rượu bia, các hành vi xảy ra tại cơ quan cũng như thuộc quyền quản lý của người đứng đầu cơ quan tổ chức, phải xác định được, nơi nào thuộc quyền quản lý mà xảy ra vi phạm thì người đứng đầu cơ quan tổ chức phải chịu trách nhiệm. Các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, toàn hệ thống chính trị phải tuyên truyền, phổ biến sâu rộng”.

Nghị định 117 ra đời sẽ làm căn cứ để tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm được quy định trong Luật, tăng tính răn đe.

Nghị định mới được ban hành cũng quy định rất rõ về các địa điểm không được uống rượu bia; mức xử phạt đối với các quảng cáo rượu, bia vi phạm quy định.

Tại điều 30 quy định:

-Phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật; xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia.

-Phạt tiền từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia./.

Kim Châu, Thanh Sáng


Lượt xem: 118

Trả lời