Người dân vẫn còn chủ quan với bệnh dại

Cập nhật 13/10/2016, 14:10:57

Thống kê của ngành Y tế tỉnh Gia Lai cho thấy: Trong giai đoạn từ 2012-2016, bệnh dại vẫn có chiều hướng gia tăng, số ca tử vong do bệnh dại vẫn ở mức cao với 8 trường hợp. Đáng nói là đa số những trường hợp tử vong do người dân chủ quan với suy nghĩ chó nhà hiền nên không tiêm phòng bệnh dại, hoặc điều trị dự phòng không đúng cách sau khi bị chó cắn.

13-10-dai

Nuôi chó thả rông ngoài đường là thói quen của đại đa số người dân ở vùng nông thôn. Có mặt tại xã Glar huyện Đak Đoa, cũng giống như nhiều địa phương khác, bất kỳ ngôi làng nào ở đây cũng đều dễ dàng bắt gặp tình trạng chó nuôi chạy rông khắp các đường làng. Thoạt nhìn những chú chó này ngoan ngoãn hiền lành và không gây hại cho ai, thế nhưng trên thực tế có rất nhiều nguy cơ lây truyền vi rút dại gây ra  truyền từ chó mèo sang người chỉ  qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của chó mèo. Không chỉ chủ quan với việc để chó nuôi chạy rông, nhiều người khi bị chó cắn cũng chỉ tìm đến các biện pháp dân gian chứ không chú trọng vào việc tiêm vắc xin phòng dại.

Anh PYôi-Làng Gloi 2-xã Glar-Đak Đoa nói: Chó đẻ nên nó dữ, có người bị nó cắn. Khi bị chó cắn thì đưa đi xuống chỗ người quen trong làng,rồi làm phép chữa trị theo kiểu xưa giờ, nhanh lành. Không đưa đi tiêm vì tốn nhiều tiền

Khi bị chó cắn không đưa đi tiêm vắc xin mà tìm đến các biện pháp chữa trị dân gian nên trong 5 năm qua bệnh dại ở Gia Lai vẫn có chiều hướng gia tăng với 8 trường hợp tử vong và Gia Lai là tỉnh có số ca tử vong liên tiếp qua các năm và cao nhất khu vực Tây Nguyên. Một trong những nguyên nhân khiến người dân thờ ơ với việc tiêm phòng cho chó đó là thói quen nuôi chó thả rông, chó sinh đẻ tự nhiên, nhiều gia đình thậm chí không biết gia đình mình hiện còn, mất bao nhiêu con chó.

Ông Chưp-Làng Gloi 2 xã Glar-Đak Đoa cho biết: “ Ở trong làng tôi nuôi nhiều chó lắm, chúng chạy khắp làng, không đưa đi tiêm phòng đâu. Chẳng may bị chó cắn thì có người chữa cho, cũng có người đi tiêm phòng nhưng ít lắm”.

Trước thực trạng bệnh dại vẫn có chiều hướng gia tăng và tỷ lệ chó mèo được tiêm vắc xin phòng bệnh dại còn thấp, trong lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại, Gia Lai đặt mục tiêu: Tăng cường công tác quản lý đàn chó, phấn đấu tăng tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại ở đàn chó, mèo hàng năm đạt trên 80% và đảm bảo 100% người bị chó dại cắn phải được xử lý vết thương và tiêm vắc xin kịp thời; tuyên truyền để người dân tuyệt đối không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại…. Đây là những mục tiêu để kéo giảm bệnh dại ở Gia Lai, để hoàn thành được những mục tiêu đề ra thì không chỉ sự vào cuộc của ngành chức năng mà quan trọng hơn cả đó là ý thức của mỗi người dân không chủ quan với bệnh dại vì  bệnh dại tuy nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh./.

Vân Anh, R’Piên


Lượt xem: 92

Trả lời